Phiên tòa xét xử bà Phạm Thị Đoan Trang (bút danh Phạm Đoan Trang) đã được TAND TP Hà Nội ấn định vào ngày 4/11 tới, do thẩm phán Chử Phương Ngọc làm chủ tọa.

pham doan trang 1
Bà Phạm Đoan Trang, năm 2019. (Ảnh: Pham Doan Trang/Facebook)

Theo truyền thông trong nước, ngày 18/10, VKSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố bà Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, ở quận 3, TP.HCM) tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (CHXHCN Việt Nam), theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

Cáo trạng và hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND TP Hà Nội. TAND TP Hà Nội sau đó ra quyết định mở phiên tòa xét xử bà Trang vào ngày 4/11 tới, thẩm phán Chử Phương Ngọc làm chủ tọa.

Thông tin TAND xét xử bà Trang vào ngày 4/11 đã được luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư tham gia bào chữa cho bà Trang công bố trên trang Facebook cá nhân hôm 14/10.

Luật sư Lê Văn Luân cho biết ngày 19/10 đã vào Trại tạm giam số 1 Hà Nội để gặp bà Trang với tư cách luật sư bào chữa. Ông Luân cho hay đây là lần đầu tiên trong hơn một năm bị giam giữ, bà Trang được gặp luật sư và trao đổi các vấn đề liên quan tới vụ án.

Bà Phạm Thị Đoan Trang là nhà báo tự do, tác giả của nhiều cuốn sách và báo cáo, trong đó có “Chính trị Bình dân” và “Báo cáo Đồng Tâm” (đồng tác giả), bị bắt tại TP.HCM vào đêm 6/10/2020, chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam kết thúc.

Theo cáo trạng do báo Tuổi Trẻ trích dẫn, từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, bà Trang đã làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước.

Các tài liệu mà bà Trang bị cáo buộc tàng trữ gồm: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.

Theo kết luận của VKSND, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Luật sư Mạnh cho hay tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999 và Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015 là tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thường có sự chế tài rất nặng nề, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam kèm theo hình phạt bổ sung là chịu quản chế từ 1 – 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Vụ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam: Ông Phạm Chí Dũng bị tuyên 15 năm tù