Thông tin từ trang web của Giáo phận Bùi Chu cho biết nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị hạ giải vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.

dscf8276 c
Nhà thờ Chính toà giáo phận Bùi Chu (Ảnh: gpbuichu)

Ngày 17/4, trong bài viết “Lễ Truyền dầu năm nay sẽ được tổ chức ở đâu?” đăng trên trang web của Giáo phận Bùi Chu, Guise Văn Nhân đã cho biết về việc nhà thờ Chính Toà chuẩn bị hạ giải.

“Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính Toà sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019. Do đó, có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính Toà cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm.”

Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ Công giáo Rôma, nằm ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bùi Chu là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu. Đây cũng là nơi an nghỉ của 5 giám mục đã từng cai quản giáo phận.

Được xây dựng vào năm 1884 bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận, Nhà thờ Chính Toà giáo phận Bùi Chu có tuổi tương đương với tuổi nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (năm 1880) và nhà thờ Lớn Hà Nội (1886). Nhà thờ chính có chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 mvới dấu ấn kiến trúc Barôc (Baroque) đặc trưng.

Hiện nay chỉ có 4 nhà thờ ở Việt Nam nằm trong danh sách được bảo vệ là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội.

Trong đó, nhà thờ Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nằm trong danh mục Kiểm kê di sản của TP.HCM.

Theo Luật Di sản văn hoá, nếu nhà thờ chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ và việc bảo vệ hay phá bỏ các nhà thờ sẽ hoàn toàn thuộc quyền của giáo dân và các cha xứ.

Để được xếp hạng, các chủ thể của công trình kiến trúc cần trình hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền theo quy định để xin công nhận di tích.

Ông Vũ Minh Quang (Minh Quang Vu) – Đại sứ Việt Nam tại Campuchia trên Facebook cá nhân cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà bảo tồn văn hóa Việt cần khẩn trương xem lại chính sách bảo tồn và phân loại các di sản hiện hành, không thể chỉ quan tâm tới các di tích “đã xếp hạng”. Hơn nữa, không để chủ sở hữu có quyền đăng ký bảo tồn hay không, mà đó phải là quyết định của một hội đồng các nhà bảo tồn, từ trên xuống.

Tuấn Minh

Xem thêm: