Ngoài tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô thuộc vùng Vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun, Tỉnh ủy Khánh Hòa còn yêu cầu khảo sát, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại, cũng như lượng san hô còn lại ở Hòn Mun.

san ho hon mun
Rạn san hô tại hòn Mun (Nha Trang) chết hàng loạt. (Ảnh: Nguyen Son/Facebook)

Theo báo chí nhà nước, hôm 22/6, Tỉnh ủy Khánh Hòa có thông báo kết luận liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang (một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia và cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam).

“Qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang, UBND TP. Nha Trang, bước đầu cho thấy việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”, kết luận nêu.

Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô nêu trên là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9/2021.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý Vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót.

Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển Vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời như: khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…

Để phục hồi san hô, tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đề nghị UBND TP. Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng Vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun.

Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của Vịnh Nha Trang cũng như tăng tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun.

Các cơ quan chức năng của tỉnh được giao phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để có báo cáo cụ thể, chính xác, đầy đủ về hiện trạng, nguyên nhân của sự suy giảm hệ sinh thái rạn san hô khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi.

Trước đó, ngày 1/6, tài khoản FB Nguyen Son có đăng tải thông tin liên quan đến việc suy giảm hệ sinh thái biển ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun, đã nhận được nhiều quan tâm từ dư luận.

“Hơn một năm rưỡi mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10/2020. Những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang, không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và tất nhiên không còn nhiều sinh vật biển. Đáy biển đen ngòm, xơ xác…”, tài khoản cho hay.

Theo kết quả khảo sát của Ban quản lý vịnh Nha Trang đầu năm nay, so với năm 2015, rạn san hô tại Hòn Mun suy giảm nghiêm trọng, ở khu vực Đông Bắc đảo độ phủ san hô từ 54% xuống còn 32%; khu Đông Nam từ 52% còn 11%; khu Tây Nam chỉ còn 8%… Tại một số vị trí, tổng diện tích san hô hư hại lên tới hàng trăm m2, thậm chí san hô bị xoá trắng.

PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết để hình thành một rạn san hô cần đến hàng nghìn, thậm chí cả triệu năm. “Do vậy việc san hô bị chết hàng loạt như hiện nay chắc chắn rất khó phục hồi, mà có được cũng mất rất nhiều thời gian, tiền bạc”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, ngoài thiên tai và biến đổi khí hậu, hệ sinh thái san hô biển Nha Trang giảm mạnh còn do tác động của các công trình xâm lấn biển. Hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế, du lịch. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất.

PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng cần có một đánh giá khách quan, khoa học về nguyên nhân thực sự của việc san hô chết hàng loạt ở Hòn Mun để từ đó có chính sách bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh đó, cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển khu vực trong vịnh Nha Trang, kiểm soát chặt các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực. “Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần cơ quan quản lý vào cuộc, đồng thời chọn giải pháp tối ưu để bảo vệ các rạn san hô chưa bị hoặc bị ảnh hưởng ít hơn”, ông An nói.

Hoàng Minh