Cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh khi đương chức Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), sau đó làm Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang bị cáo buộc đã nhận tổng cộng 560.000 USD (tương đương hơn 13 tỷ đồng) và 6,2 tỷ đồng bảo kê cho “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu.

dai ta nguyen the anh 1
Đại tá Nguyễn Thế Anh khi giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang tại mội hội nghị tổng kết công tác biên phòng 2020. (Ảnh: kiengiang.gov.vn)

Cuộc ngã giá tiền tỷ giữa lãnh đạo cơ quan chống buôn lậu và tội phạm 

Sau khi đưa tin tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận 6,9 tỷ đồng để bảo kê Phan Thanh Hữu – Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh buôn lậu xăng dầu, các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ tiếp tục dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương về cuộc giao kèo nhận tiền bảo kê hàng tháng giữa cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và ông Hữu.

Tại cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, 14 bị can bị truy tố trong vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm”, trong đó có tới 10 sĩ quan quân đội có quân hàm và chức vụ cao cấp.

Tại cáo trạng, cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bị cáo buộc hành vi “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, quy định tại các Điều 349, 354 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan này xác định từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời, đã nhờ ông Thế Anh giúp đỡ. Lúc này, Đại tá Thế Anh là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng ông Hữu sẽ đưa cho ông Thế Anh 30.000 USD (tương đương hơn 700 triệu đồng) và 100 triệu đồng. Tổng cộng từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020, ông Hữu đã chi cho ông Thế Anh 150.000 USD (tương đương hơn 3,5 tỷ đồng) và 500 triệu đồng.

Đến đầu năm 2020, ông Hữu và đồng phạm có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa. Ông Hữu hẹn gặp ông Thế Anh tại khách sạn REX (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM).

Tại cuộc gặp, ông Thế Anh yêu cầu ông Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác hằng tháng tổng cộng là 60.000 USD (tương đương hơn 1,4 tỷ đồng) và 950 triệu đồng. Ông Hữu chấp nhận, chi hối lộ cho ông Thế Anh từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2020, tổng cộng 360.000 USD (tương đương hơn 8,4 tỷ đồng) và 5,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tháng 8/2020, ông Hữu biết ông Thế Anh chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, mỗi tháng chỉ chi cho ông Thế Anh 10.000 USD (tương đương hơn 233 triệu đồng).

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương xác định tổng số tiền ông Hữu đã chi để hối lộ cho ông Thế Anh từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021 là 560.000 USD (tương đương hơn 13 tỷ đồng) và 6,2 tỷ đồng.

Hàng trăm triệu bỏ bịch nilon, nhận ngày 15 hằng tháng 

Theo kết luận của cơ quan tố tụng, trong toàn bộ các lần nhận tiền hối lộ, ông Thế Anh không trực tiếp nhận tiền mà giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, là em con chú ruột) đi nhận.

Theo lịch hẹn, ngày 15 hằng tháng, ông Hữu chủ động gọi điện cho ông An hoặc ông An gọi cho ông Hữu để hẹn thời gian lấy tiền. Tiền giao đều được ông Hữu sắp xếp thành các cọc tiền để trong túi nilông màu đen, buộc gọn để bỏ vừa vào cốp xe môtô của ông An.

Ngoài những lần trực tiếp nhận tiền, ông An đa nhờ Cao Phước Hoài (SN 1996, nhân viên bán hàng tại cây xăng do ông An quản lý) và Nguyễn Văn Quân (SN 2002, quê Thanh Hóa) đi nhận hộ. Khi nhờ, ông An chỉ nói cho hai người là Hoài và Quân là đi nhận tiền giúp, không nói nhận tiền gì, nhận cho ai.

Cơ quan công tố xác định từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, ông An đã 16 lần nhận tiền của ông Hữu mang về cho ông Thế Anh.

dai ta nguyen the anh
Đại tá Nguyễn Thế Anh (thứ tư, từ phải sang), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang trao tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng cho 7 tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng năm 2020, tháng 12/2020. (Ảnh: kiengiang.gov.vn)

Sau khi ông Hữu bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam vào tháng 3/2021, ông Thế Anh gọi điện thoại bảo ông An tìm cách trốn đi một thời gian.

Cuối tháng 3/2021, ông Thế Anh gọi điện cho bạn là Tạ Phi Sơn (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên hệ Đặng Huy Bình (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tìm việc giúp An.

Đầu tháng 4/2021, ông An được chở tới cửa khẩu Lao Bảo, do không có hộ chiếu và sợ bị phát hiện nên An không làm thủ tục đi qua cửa khẩu theo đường chính ngạch. Ông An bắt xe ôm ra khu đường rừng, thuê người dẫn đường (hết 10 triệu đồng) để vượt biên trái phép sang Lào làm việc tại lán trại của Bình ở tỉnh Savannakhet. Hơn 1 tháng sau, ông An bị công an Lào bắt giữ, bàn giao cho công an Việt Nam.

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương ra quyết định truy tố cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Nguyễn Văn An bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Đối với Cao Phước Hoài, Viện Kiểm sát cho rằng khoảng tháng 2/2021, sau khi nghe tin Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ đường dây buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu và nghe Nguyễn Thị My (vợ ông An) nói ông An đi trốn một thời gian vì đã nhận tiền hộ từ những người buôn lậu cho Nguyễn Thế Anh thì Hoài biết được được số tiền ông Hữu phải chi cho ông Thế Anh thông qua ông An là tiền hối lộ.

Vì My là em họ của ông Hoài, đồng thời, ông Hoài cũng 2 lần nhận tiền giúp nên ông Hoài đã không tố giác hành vi của ông Thế Anh và ông An. Do đó, ông Hoài bị truy tố hành vi “Không tố giác tội phạm” theo Điều 390 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Sơn