Công ty do vợ của nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nhận hơn 162 ha rừng và đất rừng để phát triển nhưng thông bị ép chết, đất bị cắt xén, mua bán trái phép. Sáu năm sau, ngày 2/6/2022, 35,41 ha đất rừng trong diện tích trên đã mua bán trái phép cho người dân được giới chức huyện thông báo cưỡng chế thu hồi…

cuong che dat rung bi mua ban trai phep
Nhiều nhà, chòi của người dân bị cưỡng chế tháo dỡ do người dân mua đất rừng trái phép từ công ty quản lý rừng. Hình ảnh trong đợt cưỡng chế ngày 9/3/2022. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Ngày 2/6, UBND huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất trái phép dọc Quốc lộ 28, đoạn qua xã Đắk Ha và xã Quảng Sơn.

Theo UBND huyện Đắk Glong, dọc Quốc lộ 28 có 133 trường hợp lấn chiếm 35,41ha. Diện tích này nằm trong số hơn 162 ha được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (sau đây gọi là Công ty Nguyên Vũ) quản lý từ năm 2015. Công ty Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị Kim Thoa – vợ của nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông – Đại tá bà Nguyễn Thị Kim Thoa đứng tên.

Tuy nhiên, thay vì khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng, Công ty  này để rừng thông bị đầu độc, mua bán, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đến đầu năm 2018, diện tích rừng trồng suy giảm tới 45%.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi toàn bộ diện tích rừng trên (hơn 162 ha), giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Tuy nhiên, diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý tiếp tục bị lấn chiếm.

Theo UBND huyện Đắk Glong, trong 133 trường hợp lấn chiếm 35,41ha, có 35 trường hợp vắng chủ và tự nguyện di dời, trả lại 7,2ha đất lấn chiếm; từ ngày 9-10/3/2022 đã cưỡng chế được 13/15 trường hợp với tổng diện tích 3,4ha. Dự kiến từ ngày 7-15/6, huyện sẽ cưỡng chế 32 trường hợp tại 37 vị trí, tổng diện tích cưỡng chế 4,58ha.

Còn 56 trường hợp đang lấn chiếm 20,23ha, UBND huyện sẽ hoàn tất các thủ tục có liên quan để tiến hành cưỡng chế vào đợt 3. Sau khi thu hồi, đất rừng sẽ được giao về cho Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn để trồng lại rừng.

Tại hiện trường cưỡng chế thu hồi, trên phần đất lấn chiếm, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cửa, trồng cây nông nghiệp… UBND huyện Đắk Glong nhấn mạnh quan điểm là người dân tự nguyện trả lại diện tích đất đã lấn chiếm, hoặc bị cưỡng chế thu hồi, không đền bù.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long cho biết thời gian qua, nhiều hộ dân lấn chiếm hoặc nhận sang nhượng trái phép có đơn kiến nghị chính quyền các cấp dừng chặt phá cây trồng, tháo dỡ nhà cửa, giải quyết bồi thường.

UBND huyện đã có công văn trả lời là không có cơ sở bồi thường, đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giải thích rõ việc vi phạm pháp luật của các hộ dân; đề nghị người dân tự nguyện tháo dỡ các vật kiến trúc, di dời tài sản, trả lại diện tích lấn chiếm, nếu không cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.

Theo tìm hiểu của báo Tiền Phong năm 2018, một số khoảnh đất rừng mà Công ty Nguyên Vũ đã cắt bán cho các hộ dân như: 5 sào đất rừng bán cho ông Lê Đình Th. (xã Quảng Sơn) với giá 200 triệu đồng vào năm 2017; bán 1 ha cho ông Lương Hữu D. (xã Quảng Sơn) với giá 300 triệu đồng; bán 7 lô gần 6,4 ha cho 13 hộ dân xã Quảng Sơn lấy hơn 2,3 tỷ đồng… (đều qua giấy viết tay)…

Sơn Nguyên