Theo giới chức y tế, kết quả giải mã bộ gene cho thấy chủng virus gây ra chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất không phải biến chủng mới từ Anh mà là chủng A.23.1. Chủng này được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020, nhưng chưa ghi nhận tại Đông Nam Á.

bien chung hcdc
Thông tin về biến chủng virus Vũ Hán từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM. (Ảnh chụp màn hình)

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa cho biết bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã thông tin nhanh về kết quả giải mã bộ gene của chủng virus Vũ Hán từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, phòng xét nghiệm sinh học phân tử đã thu nhận được 3 bộ gene virus Vũ Hán hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm phết mũi họng của BN1979 và của hai trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 8/2. Ba bộ gene thu nhận được từ các bệnh nhân trên có sự tương đồng về gene là trên 99,95%.

Từ đó, giới chức y tế nhận định “chùm ca bệnh gồm BN1797 và các bệnh nhân của tổ bốc xếp của công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây”.

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy cả ba bộ gene virus Vũ Hán thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1.

Chủng virus Vũ Hán thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020.

Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc cũng như một số nước khác ở Châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch.

“Tuy nhiên, A.23.1 chưa ghi nhận ở Đông Nam Á. Do đó đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện và gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung”.

Như vậy chủng virus gây ra chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B.1.1.7) mà đang gây bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh mà cả Thế Giới đang rất quan tâm.

“Do mới xuất hiện và số trường hợp bệnh còn ít nên hiện chưa có nhiều thông tin về đặc tính lây nhiễm cũng như gây bệnh của chủng A.23.1 này so với các chủng trước đây”, báo cáo cho biết.

Thực tế vừa qua có tình huống các trường hợp F1 âm tính mà F2 lại dương tính cũng cho chúng ta giả thuyết rằng liệu việc âm tính xảy ra quá nhanh có phải là đặc tính của chủng này hay không. Một nhận xét khác đó là trong chùm các bệnh nhân này đa số không có triệu chứng hoặc có nếu triệu chứng thì rất nhẹ. Những vấn đề này sẽ được tiếp tục theo dõi, khảo sát từ chùm ca bệnh này trong thời gian tới.

Tại TP.HCM trong 6 ngày qua đã ghi nhận 33 ca nhiễm liên quan cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, 8 bệnh nhân làm chung nhóm nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa ở sân đỗ máy bay, 25 trường hợp nhiễm là người nhà, hàng xóm… của họ.

Đây là các trường hợp phát hiện nhờ lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay từ ngày 30/1 đến nay.

Tuy nhiên, nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu của ổ dịch hiện chưa phát hiện ra.

Theo Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, trước đây chu kỳ lây nhiễm virus Vũ Hán là 5-7 ngày, thì hiện nay chỉ còn 3-4 ngày.

Hiện chưa thể lý giải được tại sao chu kỳ lây nhiễm của virus Vũ Hán lại rút ngắn, cũng như tại sao xảy ra bất thường là F2 dương tính trong khi F1 âm tính.

“Dịch bệnh tại TP.HCM có thể sẽ rất phức tạp trong thời gian tới”, ông Sơn nhận định.

Lê Hoàn