Theo tờ Mainichi, một nam thanh niên 25 tuổi mang quốc tịch Việt Nam đã bị cảnh sát tỉnh Kanagawa, Nhật Bản bắt giữ do có hành vi mua bán trái phép thẻ đi lại của sinh viên.

Nhat Ban bat giu mot thanh nien Viet Nam do mua ban trai phep the di lai cua sinh vien 1
(Ảnh minh họa: Rawpixel.com/Shutterstock)

Cụ thể, hôm 16/6 vừa qua, Cơ quan điều tra cảnh sát tỉnh Kanagawa cho biết đã bắt giữ Tran Quoc Tuan, người Việt sinh sống tại Kawasaki, đã có hành vi mua bán thẻ đi lại của sinh viên cho một phụ nữ Việt Nam khoảng 20 tuổi.

Theo đó, ba thẻ đi lại dành cho sinh viên đã được Tuan bán với giá 30.740 Yen (khoảng 5.300.000 VND) vào lúc 16h30 (giờ Nhật Bản) hôm 8/4 tại nhà ga JR Higashi – Kanagawa ở Yokohama.

Tại cơ quan cảnh sát, Tuan đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, người này còn thừa nhận rằng cho đến nay đã thực hiện ít nhất 100 lần hành vi mua bán trái phép loại giấy tờ trên.

Cảnh sát tỉnh Kanagawa đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án do nghi ngờ sự việc này có liên quan đến một đường dây mua bán trái phép thẻ đi lại.

Trước khi bị bắt, Tuan từng vi phạm Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người tị nạn của Nhật Bản hôm 14/4 vừa qua, cũng như từng bị bắt vào ngày 10/5 vì mua bán trái phép thẻ đi lại của sinh viên.

Ở một diễn biến khác, hôm 31/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo rằng trong năm 2021, các đại sứ quán, lãnh sự và văn phòng lãnh sự của Nhật Bản đã cấp tổng cộng 90.306 thị thực cho người nước ngoài, tức giảm 92% so với năm ngoái, chủ yếu xuất phát từ việc quốc gia thuộc vùng Đông Bắc Á này siết chặt kiểm soát biên giới nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân được Nhật Bản cấp thị thực, ba nước có công dân được cấp thị thực nhiều nhất trong năm 2021 theo thứ tự là Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ. Ba nước này chiếm tổng cộng khoảng 40% số thị thực mà Nhật Bản đã cấp. Cụ thể, Việt Nam có 15.434 người được Nhật Bản cấp thị thực, chiếm 17% trong tổng số, tiếp theo là Trung Quốc (chiếm 14%) và Mỹ (chiếm 10%).

Phan Anh

Gió đổi chiều: Hollywood và các ngành sản xuất Mỹ đang tách khỏi Trung Quốc