Giới chức ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp cho rằng có thể một vài ban giám hiệu muốn thành tích trường mình đẹp nên tự đưa ra những quy định gây áp lực cho thầy cô, khi biết học sinh yếu kém vẫn cho lên lớp.

hoc sinh lop 6 khong biet doc
Một hoạt động tại Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) hồi tháng 1/2021. (Ảnh: Đoàn trường Thcs-Thpt Tân Mỹ/Facebook)

Báo Tuổi Trẻ ngày 8/4 cho biết chỉ tại một Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã có 6 học sinh lớp 6 đọc viết khó khăn, có chữ đọc được, chữ không. Sau Tết, đã có 2 em bỏ học vì mặc cảm, vì không theo kịp bài.

Trong cuộc họp họp ngày 13/4 với UBND tỉnh Đồng Tháp, giới chức Sở GD-ĐT tỉnh này phủ nhận trách nhiệm và cho rằng để xảy ra sự việc là do ban giám hiệu nhà trường áp chỉ tiêu.

“Sở đã chỉ đạo từ lâu, xuyên suốt không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Tuy nhiên, Sở cũng nhìn nhận có thể đây đó trong một vài ban giám hiệu muốn thành tích trường mình đẹp, không chấp hành chỉ đạo của ngành, có những quy định gây áp lực cho các thầy cô, do đó khi biết học sinh yếu kém vẫn cho lên lớp. Sắp tới sẽ chỉ đạo, rà soát lại yêu cầu thực hiện nghiêm” – ông Nguyễn Thanh Danh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp nói, báo Tuổi Trẻ tường thuật từ buổi họp.

Ông Danh đưa ra lời hứa sẽ không để tái diễn, rằng “một vài năm mà còn xảy ra nữa thì tôi chỉ có nước từ chức”. 

Với những học sinh bị xếp loại yếu, kém, Sở GD-ĐT Đồng Tháp đưa ra giải pháp đến cuối năm nhà trường sẽ tổ chức thêm học kỳ 3 cho những em này. Thầy cô tập trung ôn tập những kiến thức căn bản nhất, tối thiểu để các em lên lớp.

Qua học kỳ này mà vẫn chưa đạt thì bắt buộc các em phải ở lại lớp. Trước đây, mỗi cấp học các em chỉ được ở lại 1 lần, sau này thì 2 lần, nếu quá 2 lần thì xem như “bó tay” phải đưa các học sinh này qua hệ giáo dục thường xuyên.

Còn riêng 6 em không đọc được chữ tại Trường THCS-THPT Tân Mỹ, Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình đã yêu cầu thành lập một nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở trường tiểu học kèm cặp riêng.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu cần đặt nặng trách nhiệm của nhà trường, hỗ trợ nhân văn cho các em có năng lực học yếu, khó lên lớp, ở lại lớp 1-2 năm. Nếu các em học hoài không thể lên lớp thì phải hướng nghiệp cho các em học nghề trung cấp, sơ cấp, sau đó các em có nghề không phải thất nghiệp.

Giới chức tỉnh này cho rằng cần làm sao để kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình. Yêu cầu của tỉnh là bên cạnh đưa ra nguyên nhân phải tìm ra một giải pháp lâu dài, chứ đừng “chữa cháy” khi có dư luận.

Vài nét về sự thành tín cao độ trong xã hội Nhật Bản

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, hai học sinh mặc cảm vì không biết chữ, phải bỏ học là em N.V.K. và em N.T.C.N., cùng học lớp 6 tại Trường THCS-THPT Tân Mỹ. Em K. kể lớp 1 và lớp 2 em vẫn biết mặt chữ, ráp vần được, nhưng sang lớp 3 thì bị bị tụt lại so với các bạn. Tới lớp 5, thầy cô chưa một lần gọi em lên trả bài. Khi kiểm tra, một đoạn văn trong sách 2 dòng 30 chữ thì có 8 chữ K. không đọc được, một vài chữ phải dừng lại đánh vần…

Em N. (14 tuổi) đòi mẹ cho nghỉ học, đang ở nhà trông em út chưa đầy 1 tuổi. Mẹ em N. cho biết em gái học lớp 4 đôi khi vẫn phải kèm cho N. Trên một trang chép thời khóa biểu, các nét chữ nguệch ngoạc, chữ “nhạc” ghi thành “nạc”, “lịch sử” thành “lịnh sử”, “thời khóa biểu” thành “thời phà hiểu”…

Theo Dân Trí, em H.V.T nay đã lên lớp 6 nhưng đọc được chữ, viết chậm. Trong học bạ, lớp 1, giáo viên ghi: đọc to rõ ràng, viết được; lớp 2: đọc, viết được, viết đúng độ cao; lớp 3: đọc khá lưu loát, chữ viết còn yếu cần rèn luyện thêm; lớp 4: đọc viết còn chậm, cần rèn thêm.

Cha em T. phát hiện con không đọc được chữ, viết chậm hồi năm lớp 5, có nói với con nếu học yếu thì nói với thầy cô cho ở lại lớp, nhưng rồi sau đó em vẫn tiếp tục được lên lớp 6.

Năm 2016, tại Sóc Trăng, Trường tiểu học Lý Đạo Thành (được công nhận đạt chuẩn Quốc gia) từng bị phát giác việc một học sinh đã lên lớp 6 (Trường THCS Lê Vĩnh Hòa), rồi bị trường trả về, phải xuống học lại từ lớp 1. Khi sự việc bị phụ huynh phản ánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành – baf Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh cho rằng đây là sơ suất của trường.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: