Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban Quản lý dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các đơn vị liên quan phải hoàn thành tuyến trong tháng 10/2018 và tháng 12/2018 sẽ vận hành thương mại.

duong sat cat linh ha dong 2
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Sơn Trà)

Chiều ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và UBND TP. Hà Nội có buổi làm việc về phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, trong đó trao đổi những vấn đề liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Phương – Phó Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) báo cáo về tiến độ thi công dự án.

Ông Phương cho hay Ban Quản lý dự án đã nhiều lần làm việc và có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội sớm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, phía Bộ GTVT vẫn chưa nhận được mặt bằng để thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Cụ thể, về phần xây dựng, hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án chưa thi công, 90% lượng thiết bị liên quan đến dự án đã được mua chuyển về Việt Nam, 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt. Dự án đang được tập trung lắp đặt thiết bị chiếu sáng, thang máy thang cuốn, thông gió điều hòa, hệ thống cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy, căn chỉnh hệ thống thiết bị thông tin, tín hiệu, cấp điện và hoàn thiện lần cuối hạng mục xây dựng cơ bản đồng bộ.

Ông Phương cũng cho biết hạng mục mặt bằng cho dự án cơ bản không vướng mắc nhưng còn tình trạng lấn chiếm gầm tuyến đường sắt làm bãi đỗ xe và vướng mặt bằng thi công hạng mục thoát nước đoạn Hoàng Cầu – Yên Lãng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong năm 2017, dự án bị chậm tiến độ do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD ký kết với Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc). Đến ngày 28/12/2017, các vướng mắc về thủ tục đã được tháo gỡ, Eximbank Trung Quốc chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, vốn của dự án đã đầy đủ, mặt bằng cơ bản không vướng mắc, việc lắp đặt thiết bị đang hoàn tất… do đó, Bộ trưởng yêu cầu đến tháng 10/2018 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại, đồng thời các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, đặc biệt là các vấn về về cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử nhanh, hiệu quả với những sự cố có thể xảy ra.

duong sat do thi ha noi cat linh ha dong
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: shutterstock)

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Nhìn lại nhiều lần lùi tiến độ và đội vốn

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gồm 13 km đường sắt đi trên cao; 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga, nhà điều hành 9 tầng. Dự án bị đội vốn và lùi tiến độ nhiều lần.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án có thời gian thực hiện từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, tháng 4/2010, dự án mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức được triển khai.

Đến cuối năm 2014, lãnh đạo Bộ GTVT (Bộ trưởng khi đó là ông Đinh La Thăng) “chốt” mục tiêu 31/12/2015 phải hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt.

Thời gian khai thác toàn tuyến tiếp tục được lùi đến ngày 31/12/2016. Tới đầu năm 2017, dự án tiếp tục lùi tiến độ hoàn thành, dự kiến vận hành thử từ ngày 1/10/2017, đến cuối Quý 1 – đầu Quý 2 năm 2018 sẽ đưa vào khai thác chính thức.

Tuy nhiên, kế hoạch chạy thử tàu đường sắt vào ngày 1/10/2017 không thực hiện được do việc giải ngân khoản vay bổ sung 250,6 triệu USD được ký kết vào tháng 5/2017 với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc bị chậm.

Do đó, tuyến đường sắt được dự kiến lịch chạy thử kỹ thuật từ ngày 2/9/2018 với thời gian chạy thử từ 3 – 6 tháng. Nếu không gặp trục trặc, dự án sẽ đủ điều kiện vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2018.

Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “chốt” yêu cầu tháng 12/2018 sẽ đưa tuyến đường sắt vận hành thương mại.

Về vốn đầu tư dự án, năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với số vốn 552,86 triệu USD (8.769 tỷ đồng), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Tới năm 2016, dự án được điều chỉnh số vốn lên tới 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD), trong đó phần vốn vay của Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD (lên 669,62 triệu USD, ký kết với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc), phần vốn của Chính phủ Việt Nam tăng 64,56 triệu USD (lên 198 triệu USD). Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do chậm tiến độ dẫn đến trượt giá và phải điều chỉnh thiết kế.

Nếu chưa tính phần lãi suất phát sinh của số vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách Nhà nước, chỉ tính riêng tổng vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD (tương đương 14.718 tỷ đồng) với lãi suất là 3%/năm, mỗi năm dự án phải trả khoảng 442 tỷ đồng tiền lãi – tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.

Đăng Nguyên

Xem thêm: