Vậy là chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh niềm vui được sum vầy cùng với người thân, nhiều người trẻ Việt đang cảm thấy lo lắng khi phải đối mặt với không ít vấn đề, từ kinh tế, áp lực trước những kỳ vọng về công danh sự nghiệp, bị so sánh với người khác cho đến chuyện lập gia đình, sinh con…

Tết đến
(Ảnh minh họa: Hananeko_Studio/Shutterstock)

Anh T.N. (31 tuổi), quê ở Hải Dương, hiện đang làm kinh doanh tự do tại Hà Nội. Chia sẻ với Trí Thức VN, anh cho biết năm qua làm ăn không đến nỗi nào nhưng cũng bị thua lỗ không ít khi tham gia chơi chứng khoán. “Nhìn sang bạn bè, tôi cảm thấy mình thật kém cỏi”, anh buồn bã tâm sự.

Nhưng kinh tế không phải là vấn đề duy nhất khiến anh bận tâm. Sắp tròn 32 tuổi nhưng T.N. vẫn chưa tìm được nửa kia cho mình dù có quen biết và được giới thiệu không ít. Những người họ hàng thường hỏi anh các câu đại loại như: “Thế bao giờ lấy vợ? Không lấy vợ đi các bác già cả sau chết hoặc yếu thì không đi được. Lấy vợ đi chứ lúc này thì bố mẹ còn đỡ đần được”. Anh chia sẻ rằng chuyện công việc thì có thể trả lời là “vẫn vậy” cho xong, nhưng nói đến chuyện vợ con thì không biết ứng phó ra sao. “Bố mẹ tôi đã ngoài 70 rồi, mỗi năm lại đau yếu thêm một chút, vợ con chưa có khiến ông bà không yên lòng. Tuy vậy, tôi cũng không thể chọn đại người để kết hôn được”, anh T.N. cho biết.

Chị T.D. (29 tuổi) đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Hà Nội. Chị chia sẻ rằng trong công ty có nhiều nhân viên bị mất việc làm trước Tết, nguyên nhân do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của công việc trong bối cảnh công ty gặp khó khăn về kinh tế. Bản thân chị do mới đi làm trở lại không lâu sau khi sinh con nên dịp Tết này cũng không có thưởng. Chị kể trước đó từng bị người họ hàng hỏi rằng: “Tết này được thưởng nhiều không? Cháu được ít thôi ạ. Thế ít là bao nhiêu? Cháu bác, thằng Đ. được thưởng nhiều lắm đó. Năm nay công ty nó làm ăn được”. Điều này khiến chị cảm thấy khá bối rối và khó xử.

Kết quả khảo sát trên 6.200 công nhân ở trên cả 3 miền, công bố tại cuộc tọa đàm diễn ra hôm 8/12/2022, cho thấy nếu mất việc thì 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới 1 tháng; 16,7% duy trì được 1 – 3 tháng và 12,7% được trên 3 tháng. Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi năm 2022 khoảng 8,74 triệu đồng, nhưng với mức chi tiêu khoảng 10,3 triệu đồng, thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu. Điều này gây áp lực lớn đến người lao động trước các khoản chi tiêu dồn dập cho Tết.

Việc người trẻ Việt lo ngại, thậm chí trốn tránh mỗi khi Tết đến đã trở thành câu chuyện phổ biến trong khoảng nhiều năm trở lại đây. Người trẻ ngày nay sinh sống và làm việc chủ yếu ở môi trường thành thị, quen với sự riêng tư, tuy nhiên, người thân, họ hàng ở quê lại coi chuyện hỏi thăm nhau là biểu hiện của sự quan tâm. Chính sự khác biệt về văn hóa có thể là nguyên nhân khiến 2 bên không hiểu nhau, từ đó tạo tâm lý áp lực và sợ hãi mỗi dịp Tết đến đối với người trẻ.

Tết là dịp để mọi người sum vầy, quây quần đông đủ sau 1 năm làm việc và học tập vất vả mệt nhọc. Thiết nghĩ, mỗi gia đình chúng ta nên xem sự có mặt của mỗi thành viên trong nhà là điều quý báu, nên quan tâm chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống thay vì đặt kỳ vọng quá mức vào người thân của mình, để Tết thực sự là những ngày đoàn viên. Có như vậy, những người trở về mới cảm thấy “vui như Tết”.

Phan Anh

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đạt đến sự tôn nghiêm