Ngày 26/6, hai nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Hồ Việt (giai đoạn 1989-1993) và ông Hoàng Tú (giai đoạn 1978-1989) xác nhận đã cùng nhiều cán bộ trung, cao cấp ký vào thư kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng – Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

bao ve son tra
Xẻ rừng, xây dựng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. (Ảnh: Bùi Văn Tuấn)

Trong thư kiến nghị, 17 cán bộ trung, cao cấp đã nghỉ hưu cho biết họ hiểu rõ “tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; hiểu rõ vị trí chiến lược quốc phòng đặc biệt quan trọng của nó trước khi biết đến Sơn Trà là một Khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam và thế giới“.

Chúng ta không thiếu nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng có chất lượng cao để trở thành nổi tiếng, song tính riêng có của Sơn Trà đã từ lâu nổi tiếng trong con mắt bạn bè các quốc gia trên thế giới!” – thư kiến nghị viết và mong muốn cấp có thẩm quyền “quan tâm xem xét, hạn chế đến mức thấp nhất những dự án xây dựng để bảo toàn sự nguyên vẹn hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà“.

17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp cho biết họ rất đồng tình với chủ trương của giới lãnh đạo về sự phát triển bền vững. “Đó là sẽ phát triển kinh tế nhưng phải thay đổi mạnh mẽ tư duy phát triển đó, sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế làm ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân!” – những cá nhân từng gách vác nhiều trách nhiệm với thành phố cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển kinh tế cần phải đặt vấn đề an ninh quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu.

Kết thúc thư kiến nghị, 17 vị cựu cán bộ trung, cao cấp đang nghỉ hưu tại TP Đà Nẵng cùng ký tên “để thể hiện sự đồng lòng của tầng lớp cán bộ trung cao cấp TP Đà Nẵng” để phản đối việc lấy đất rừng cấm quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quý giá để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng…

17 người cùng ký tên vào bản kiến nghị gồm:

1. Trần Thận (Nguyên: Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Đặc khu Quảng Đà, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước)

2. Hoàng Tú (Nguyên Chủ tịch, TP Đà Nẵng (1978-1989)

3. Hồ Việt (Nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng 1989-1993)

4. Huỳnh Phương Bá ((Đại tá, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục phó về Chính trị Cục Kinh tế Quân Khu 5)

5. Nguyễn Phú Hải (Đại tá, Nguyên Sư trưởng Sư đoàn 307 Quân Khu 5)

6. Nguyễn Ngọc Nhiều (Trung tá – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN-ĐN (cũ))

7. Lê Xuân Bông (Đại úy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN- ĐN (cũ))

8. Lê Hồng Mai (Đại úy- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QN-ĐN (cũ))

9. Nguyễn Văn Lý (Bác sĩ, Nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Đại biểu HĐND tỉnh QN-ĐN (cũ), Thường vụ Tổng hội Y dược học Việt Nam)

10. Lê Minh Xuân (Nguyên Trưởng ban Khoa học kỹ thuật tỉnh QN-ĐN (cũ), Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHKT TP Đà Nẵng)

11. Nguyễn Văn Chính (Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III)

12. Lê Quang Cang (Nguyên Giám đốc Công ty Vải sợi- May mặc miền Trung (1981-1982)

13. Hồ Duy Diệm (Nguyên Trưởng ban Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng (1976-1995)

14. Thái Bá Lợi (Nhà văn).

15. Đỗ Hùng Luân (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Tù Yêu nước TP Đà Nẵng)

16. Dương Mộng Thu (Nhà báo).

17. Trần Kim Nhu (Nguyên phó TGĐ Dasco)

Theo dòng diễn biến, sáng 27/6, trong cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2017 của UBND TP Đà Nẵng, khi được hỏi về quan điểm của lãnh đạo thành phố về ý kiến cần “bảo toàn sự nguyên vẹn hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà” của 17 nguyên lãnh đạo trung cao cấp của TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ cho biết việc giao đất, cho thuê đất ở bán đảo Sơn Trà diễn ra hơn 10 năm trước. Trong đó, hơn 800 ha đất giao quyền sử dụng đã đóng tiền sử dụng đất từ lâu, phần đất thuê cũng đã ký hợp đồng thuê đất từ nhiều năm trước đây. Vì vậy, việc xử lý rất phức tạp.

Cũng theo ông Thơ, hiện thành phố đang tiến hành rà soát để có biện pháp xử lý. “Nhưng không đơn giản ngày một ngày hai là xong” vì phải bồi thường, bố trí lại những khu đất khác cho nhà đầu tư “vì đất là đất của họ rồi, thành phố cấp từ đời nào rồi“, mà hiện quỹ đất của thành phố không còn – lãnh đạo đương nhiệm của thành phố cho hay.

Từ Khu rừng cấm thành Khu du lịch Sơn Trà

Năm 2008, UBND Đà Nẵng ra Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại đất rừng giai đoạn 2008-2020.

Theo quyết định này của Đà Nẵng, tổng diện tích rừng đặc dụng tại bán đảo Sơn Trà chỉ còn 2.591,1 ha.

Tuy nhiên, quyết định này không dẫn Quyết định số 41/TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 10 Khu Rừng cấm, trong đó có Bán đảo Sơn Trà với diện tích khoảng 4.000 ha và Quyết định số 447/LN – KL ngày 2/10/1992 của Bộ Lâm nghiệp trong đó đổi tên “rừng cấm” thành Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha.

Tới ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1796 phê duyệt về Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu khu rừng đặc dụng (thuộc nhóm Khu bảo tồn thiên nhiên) Bán đảo Sơn Trà là 2.591,1ha, vừa khớp với con số quy hoạch rừng đặc dụng tại bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng năm 2008.

Các văn bản cấp Chính phủ trước và sau văn bản năm 2008 của TP Đà Nẵng đã sử dụng hai khái niệm khác nhau để nói về rừng ở bán đảo Sơn Trà: Khu bảo tồn thiên nhiên và Rừng đặc dụng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010, thì khu bảo tồn thiên nhiên là 1 trong 4 loại rừng đặc dụng. Như vậy, hai khái niệm này là đồng nhất về mặt thực thể, tức diện tích của rừng đặc dụng – khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà phải được bảo lưu theo quyết định sớm nhất, năm 1977 của Thủ tướng Chính phủ và năm 1992 của Bộ Lâm nghiệp, với tổng diện tích 4.439 ha.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng đặc dụng sang đất khác, thì theo Điều 58 Luật Đất đai 2013, phải là thẩm quyền của Thủ tướng.

Do đó, việc cắt hơn 1.840 ha, chuyển tới 41% diện tích rừng thuộc rừng đặc dụng – khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sang các loại đất khác của TP Đà Nẵng là điều “gây ngạc nhiên”.

Tiếp đó, với Quyết định 201/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 22/1/2013, Sơn Trà đã được đưa vào danh mục các Khu Du lịch quốc gia theo bản “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.  Và tới ngày 9/11/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2163/QĐ-TTP “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” – trong đó, sẽ phát triển Khu du lịch Sơn Trà “trở thành Trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước…”.

Vĩnh Long

Xem thêm: