Trong kỳ nghỉ dài vừa qua, có không ít trường hợp bị đuối nước tử vong, đa số là các em học sinh được gia đình cho đi chơi, tắm biển, hoặc đi cắm trại cùng nhau. Đây là tình trạng rất đáng báo động.

nan nhan bi duoi nuoc
Em Lê Viết H. (SN 2007, trú tại Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) không may bị đuối nước, được sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. (Ảnh: Quảng Trị 24h/Facebook)

Tin từ Lãnh đạo UBND xã Trung Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết tại Khu sinh thái Hải Thượng vừa xảy ra sự cố khiến một nam sinh tử vong.

Nạn nhân là em P.M.Đ (SN 2009, học sinh trường THPT Nguyễn Tuấn Thiện, huyện Hương Sơn).

Theo đó, vào khoảng 17h ngày 1/5, em P.M.Đ. được gia đình đưa đến Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (xã Trung Sơn) để chơi và tắm bể bơi.

Một lúc sau, bảo vệ tại đây phát hiện bé trai gặp sự cố, nổi trên mặt nước. Thời điểm này, xung quanh có rất nhiều người. Lực lượng cứu hộ tiến hành sơ cứu, tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong.

Khu du lịch sinh thái trên là điểm đến nổi tiếng nằm tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; nằm trong Quần thể Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra.

Trước đó, khoảng 11h30 cùng ngày, tại bãi tắm Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cũng xảy ra vụ việc có 4 em học sinh bị đuối nước.

Ban chỉ huy Đồn biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ và quân y đến hiện trường, phối hợp với nhân viên quản lý bãi tắm tổ chức tìm kiếm và cứu hộ thành công 4 nạn nhân đưa lên bờ.

Khi đưa các nạn nhân lên bờ, 3 nạn nhân sức khỏe bình thường, riêng em Lê Viết H. (SN 2007, trú tại Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) bị bất tỉnh nên lực lượng chức năng tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngạt nước lâu nên đến 12h30, em H. đã không qua khỏi.

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 29/4, cũng xảy ra một vụ đuối nước tại đập nước nhỏ ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương (tỉnh Quảng Ngãi) khiến 3 trẻ nhỏ tử vong gồm cháu T.N.T.B. (SN 2011), cháu T.N.T.H. (SN 2018) và cháu C.T.C.T. (SN 2015). Trong đó, B. và H. là anh em ruột. Còn cháu T. là anh em cô cậu với hai cháu B. và H.

Được biết, khu vực đập nước nằm ở vùng hẻo lánh, cách xa khu dân cư.

Cùng với đó, nhiều trường hợp du khách đến Huế du lịch trong kỳ nghỉ này, khi xuống tắm biển trong điều kiện thời tiết bất lợi cũng bị sóng cuốn, đuối nước nhưng được lực lượng chức năng cứu hộ và sơ cứu kịp thời.

Như tại khu du lịch Thanh Tâm (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế), dịp 30/4 – 1/5, có một nhóm du khách đến đây nghỉ dưỡng.

Khi nhóm du khách này xuống tắm biển tại vùng biển Lăng Cô, điều kiện thời tiết lúc này không thuận lợi, sóng biển đánh mạnh nên có 2 du khách bị nước xoáy cuốn ra xa bờ.

Lãnh đạo cùng nhân viên nhà nghỉ Lăng Cô đã dùng phao cứu hộ bơi ra nơi nạn nhân bị đuối nước và đưa được 2 du khách vào bờ, sơ cứu tại chỗ nên nạn nhân được bảo toàn tính mạng.

Cũng tại đây, chiều tối 1/5, một du khách ở Hà Nội khi xuống tắm biển cũng bị sóng cuốn trôi và được cán bộ nhân viên nhà nghỉ cứu hộ đưa vào bờ.

Những tai nạn trên cho thấy, trong kỳ nghỉ dài vừa qua, cùng với thời tiết nắng nóng, rất nhiều người dân đi chơi biển, có không ít trường hợp bị đuối nước, một sự việc rất đáng báo động.

Qua đó, Bộ LĐ-TB&XH được giao rà soát, sửa đổi chính sách để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống đuối nước đối với trẻ em.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đồng thời, nhà trường cùng gia đình cũng như các tổ chức xã hội cần chú ý việc dạy bơi cho trẻ em.

Cảnh sát hướng dẫn phòng chống đuối nước

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP. Hà Nội khuyến cáo mọi người một số nội dung sau:

Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước…

Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy…

Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào.

Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước, đồng thời gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114.

Khi gặp nạn nhân bị đuối nước, phải nhanh chóng đưa người gặp nạn lên bờ và cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bị nạn.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trong trường hợp người bị đuối nước khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa họ đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Thạch Lam (t/h)