Câu chuyện phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi có lẽ không thu hút sự chú ý của công luận trong nhiều ngày đến thế nếu như những sự việc quỳ gối không liên tiếp xảy ra trong xã hội, những vụ bạo hành/hành hung người yếu thế không trở nên quá phổ biến như hiện nay. Nhưng trong khi các ý kiến đề xuất giải quyết vụ việc dần mang hơi hướng cực đoan, liệu có ai muốn hỏi xem những đứa trẻ đang nghĩ gì, và cần gì?

co giao bi ep quy
Những đứa trẻ có trở nên vô hình trong thế giới mà chúng ta đang tạo ra… (Hình ảnh minh họa/bìa cuốn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – Nguyễn Nhật Ánh)

Ý kiến dư luận hiện cơ bản đang chia thành hai nhóm lớn, một nhóm phê phán “đòn roi là phản giáo dục” – lên án cách phạt quỳ của cô giáo, và một nhóm khẳng định “bức ép cô giáo phải quỳ là phạm tội hạ nhục người khác”. Sự việc đang được đẩy lên trở thành sự kiện nóng từ các trang báo tới mạng xã hội, nơi thế giới trở nên phẳng khi các ý kiến được thảo luận tự do. Truyền thống tôn sư trọng đạo một lần nữa được nhắc đến, trách nhiệm giáo dục từ gia đình thêm một lần được mổ xẻ. Hình ảnh, công việc của vị phụ huynh bị đưa lên mạng xã hội. Với việc các ý kiến cần khởi tố vụ án được đưa từ dạng giả thiết thành đề xuất chính thức – báo chí đang gián tiếp kết luận về vụ việc trước khi có thông tin từ các cơ quan liên quan.

Nhưng, dầu thế nào, đó mãi là câu chuyện trong cái lý đúng – sai của thế giới người lớn. Còn một vài và nhiều nhân vật khác xuất hiện trong sự việc mà chưa thấy ai nhắc tới. Đó là các em học sinh vi phạm bị phạt quỳ gối trước lớp, là toàn bộ các em học sinh trong lớp do cô N. giảng dạy. Nói việc bị cô giáo phạt quỳ khiến các em sợ không muốn tới lớp. Vậy còn việc chứng kiến những lời căng thẳng từ bố mẹ mình, và cô giáo phải quỳ trước lớp, trước mặt rất nhiều phụ huynh, học sinh – phải chứng kiến cảnh đó các em học sinh sẽ cảm nhận ra sao? Ngày nay việc truy cập mạng rất dễ, học sinh sẽ tiếp nhận những cơn sóng thông tin từ truyền thông như thế nào để thế giới quan của các em không bị tràn ngập hận thù, hay thói khinh bỉ, hay thậm chí đơn giản là thờ ơ, đóng cửa với sự việc? Bài học giáo dục nào các em đang nhận được từ gia đình, trường học và một góc xã hội nhỏ bé mà các em kết nối thông qua các trang web từ những việc người đấu với người như hôm nay?

Có ý kiến cho hay việc cho rằng “cô giáo làm nhục con mình” và việc “làm nhục cô giáo dạy con mình”, đó là những hệ lụy nhãn tiền từ một nền giáo dục và xã hội bị xuống cấp về đạo đức khi những cái sai bị nối dài bằng một cái sai khác. Về phía nhà giáo, một hình phạt cảnh cáo có thể là quét sân trường, hay phạt đứng nhưng chỉ kéo dài trong vòng 3-5 phút. Nhưng khi bị phạt quỳ và thời gian kéo dài đến 40 phút, thì đó không còn là cách giáo dục để các em suy ngẫm về việc mình vừa làm nữa. Độ tuổi các em trưởng thành giờ là rất sớm, sự nhẫn nại, sợ thầy, nghe lời thầy vô điều kiện như xưa là không còn như trước. Hấp thụ những cách phản ứng từ ngoài đường, từ trong gia đình, phim ảnh, các video trên mạng…, khó có thể nắm bắt được diễn biến trong tâm lý của các em. Chọn cách ứng xử ra sao với học sinh, để không chỉ “giáo” mà còn “dục”, đó là một trong muôn vàn áp lực không gọi thành tên của giáo viên hôm nay.

hoc sinh quy
Một cậu bé bị phạt quỳ trước lớp vì quên mang giấy kiểm tra, Tứ Xuyên, Trung Quốc, tháng 9/2014. (Hình ảnh qua renminbao.com)

Mạnh Tử có câu: “Cổ giả dịch tử nhi giáo chi” (Người xưa đổi con cho nhau mà dạy dỗ), cho thấy người với người không phải quan hệ địch nhân, mà là cùng chia sẻ trách nhiệm dạy bảo cho một thế hệ kế tiếp.

Thế hệ chúng tôi lớn lên lãnh roi của cả bố mẹ lẫn thầy cô. Trước khi mỗi roi vút lên là hỏi có biết vì sao mà bị đánh. Ngay trong khi bị đánh, chúng tôi vẫn được quyền nói, và phải nghĩ lại về những gì đã làm và không nên làm như thế nào. Sau mỗi trận đòn tất nhiên là đau, nhưng không ai oán trách bố mẹ, vì mẹ đánh đúng tội, vừa khóc vừa xoa cao vào vết lằn đỏ.

Năm cấp II, mỗi cuối tuần là một đợt tổng kết lại danh sách những học sinh quậy phá, không làm bài tập, nói chuyện riêng. Cô chủ nhiệm có một chiếc compa to bằng sắt. Những ai mắc lỗi nhiều lần không sửa phải ở lại, bị cô nói cho một trận, rồi bắt phạt. Bọn ở ngoài túm lại thập thò ngoài cửa xem, bọn trong lớp bị cô dùng compa đánh vào tay. Cô đánh đau, rát cả tay, nhưng cô vừa đánh vừa khóc, có lẽ vì thương và vì bất lực. Bọn học sinh cá biệt rồi cũng ngoan lên. Sau khi ra trường, những ngày 20/11 bọn chúng lại là những người thường xuyên trở về thăm cô nhất. Bọn chúng hay kể lại kỷ niệm cũ, hỏi cô bây giờ có còn đánh các em không. Cô nói cô không đánh nữa rồi. Nhưng bọn trẻ cấp II đã biết nghĩ lắm rồi, chẳng phải vì cây compa với những trận đòn rát tay mà chúng biết cách sống tốt hơn. Bởi vì cô sống tình cảm, chỉ dạy, thưởng phạt công minh, suốt cả năm thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, ai cũng hiểu cô là người tận tâm ra sao. Cây compa như là giới hạn cuối cùng mà ai chịu phạt đều hiểu mình đã hư đốn tày đình thế nào mới bị như thế.

Có câu dạy của Tư Mã Ôn Công: “Nuôi con không dạy là lỗi của cha. Dạy dỗ không nghiêm là thầy bê trễ. Cha dạy thầy nghiêm, cả hai không trục trặc gì mà học vấn không thành là tội của con” cho thấy trách nhiệm thành người được san đều cho cả ba, từ cha tới thầy và cả con. Đứa trẻ không ngoan, trước tiên vấn lỗi ở người lớn; dạy bảo không nghe thì lỗi tại người con.

Ngày nay người ta khó tự nhận lỗi về mình, tự cho rằng mình không còn điều gì thiếu sót mà chịu trách cứ. Vì vậy mà cán cân phán định không còn nằm ở việc các chuẩn mực đạo đức được thực hiện bao nhiêu, mà ở việc ai sở hữu quyền lực nhiều hơn. Cô có quyền phạt trò, phụ huynh có quyền nạt nộ giáo viên, và phụ huynh bị mổ xẻ trước dư luận. Khi ai cũng tự cho mình quyền định đoạt và phán xét người khác, không còn ai bận tâm đến câu hỏi: “Làm điều đó có tốt không?”. Có tốt cho đứa trẻ, có tốt cho giáo viên, có tốt cho phụ huynh hay không, hay những ý kiến “phải khởi tố” làm cho bản thân họ cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Chưa ai hỏi những đứa trẻ rằng chúng nghĩ sao về cô giáo trong một năm dạy qua, về lỗi mà chúng mắc phải, những người bạn của chúng mắc phải, rằng hình phạt mà chúng thấy xứng đáng cần phải nhận là gì?

Những đứa trẻ đang trở nên vô hình trong thế giới mà chúng ta đang tạo ra. Nơi niềm tin giữa thầy và trò bị bẻ gãy, giữa những người bạn, hay giữa lăng kính nhỏ bé mà chúng đang dùng để soi chiếu vào cuộc sống, từng bước sắp đặt hệ giá trị vào tâm trí con người.

Lê Trai

Xem thêm: