Tình trạng công nhân vệ sinh tại TP.HCM bị nợ lương đã kéo dài suốt nhiều năm qua, từ năm 2013 đến cuối 2017. Lãnh đạo TP yêu cầu  trong tuần này giải quyết rốt ráo việc nợ lương giai đoạn 2013, 2014, 2015. 

no luong cong nhan
Tình trạng công nhân vệ sinh tại TP.HCM bị nợ lương đã kéo dài từ năm 2013 đến cuối 2017. (Ảnh: Lim W/Shutterstock)

Chiều 23/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo giải quyết tình hình nợ lương của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện.

Báo cáo về tình hình nợ lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết tình trạng nợ lương đã tồn tại từ 2013 đến cuối 2017. Nguyên nhân là do TP ban hành đơn giá chậm, đặc biệt là giai đoạn năm 2014-2015 có nhiều biến chuyển trong đơn giá nên có nhiều thay đổi. Các quận, huyện áp dụng đơn gần nhất.

Đại diện Sở TN&MT TP.HCM nhận định việc ban hành đơn giá chậm cũng do các sở – ngành tham mưu chậm, đồng thời thừa nhận Sở TN&MT TP có sai sót trong tính đơn giá, hiện đã đề xuất Sở Tài chính rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo bà Mỹ, hiện đã chuyển cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị hơn 50 tỷ đồng để thanh toán lại cho các công ty dịch vụ công ích quận – huyện, giải quyết tình trạng nợ lương trong 2 năm 2014-2015. Còn khoản nợ trong năm 2016-2017 đang chờ Sở Tài chính thẩm định đơn giá.

Trước tình trạng nợ lương nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu trong tuần này các công ty dịch vụ công ích quận, huyện còn lại phải ký ngay phụ lục hợp đồng để lấy tiền về thanh toán các khoản nợ. Đối với phần nợ trong năm 2016 và 2017, Sở Tài chính phải thẩm định xong đơn giá trong tháng 10.

Ngoài ra, yêu cầu Sở TN&MT rút kinh nghiệm trong việc cải tiến thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để quận, huyện xác định khung giá.

Đối với các đơn vị công ích, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, nhận tiền ngay trong tuần này và giải quyết rốt ráo việc nợ lương công nhân vệ sinh giai đoạn 2013, 2014, 2015. Riêng giai đoạn 2016-2017, trong tuần sau, Sở Tài chính TP.HCM sẽ trình UBND TP.HCM khung giá của hai năm này, làm cơ sở cho việc thanh toán tiếp.

Trước đó, ngày 21/10, trong buổi đối thoại với Thành ủy TP.HCM, nhiều nữ công nhân đã đề cập vấn đề bị nợ lương. Các đơn vị công ích cho rằng do giá thu gom, vận chuyển rác được ban hành rất chậm nên không thể tính toán kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến hứa sẽ phê duyệt khung giá này để các đơn vị tính toán; không chi trả chậm hay nợ lương công nhân vệ sinh; không để tình trạng nợ lương công nhân vệ sinh trong dịp tết này.

Ngày 22/10, UBND TP.HCM ban hành Quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (theo Quyết định 38/2018/QĐ-UBND)

Trong cuộc họp chiều 23/10, Sở TN&MT TP.HCM cho biết vừa chuyển hơn 50,5 tỷ đồng tới Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM để thanh toán cho các đơn vị. Công ty này cho biết đã nhận tiền và đang chi trả cho 9 quận, huyện (quận 2, 3, 9, 12, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Hóc Môn) để trả các công ty dịch vụ công ích và 1 hợp tác xã.

Các đơn vị công ích cho biết khoản tiền trên chi trả liên quan đến nhiều khoản về thu gom, vận chuyển rác và hoạt động của công ty chứ không riêng nợ lương công nhân vệ sinh. Về tiền nợ lương công nhân vệ sinh, nhiều đơn vị đã xoay chỗ khác để trả; riêng quận 12 báo cáo đang nợ lương công nhân tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng và nợ đọng Bảo hiểm xã hội TP.HCM hơn 2 tỷ đồng tiền BHXH cần phải đóng cho công nhân.

Nguyễn Quân

Xem thêm: