Bà Lê Hồng Sâm, thanh tra viên chính Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) (thuộc Thanh tra Chính phủ) được công bố đã 27 lần đi nước ngoài trong năm từ 2013-2018 không báo cáo, không xin phép cơ quan nhưng không bị phát giác. Mới đây, hình thức xử lý sai phạm do cơ quan này quyết định là khiển trách. 

thanh tra chinh phu
Một đoàn thanh tra Chính phủ thanh tra về việc khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên từ 2011-2018, hồi tháng 4/2021. (Ảnh minh họa: thanhtra.gov.vn)

Kết luận sai phạm đối với bà Sâm do Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Thanh tra Chính phủ ban hành, truyền thông trong nước đưa tin.

Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ xác định từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2018, bà Sâm đã đi nước ngoài 27 lần nhưng không xin phép, không báo cáo lãnh đạo, cấp ủy và không có quyết định của cơ quan đồng ý cho đi nước ngoài.

Tổng số thời gian bà Sâm đi nước ngoài không xin phép là 69 ngày, trong đó có 45 ngày làm việc và 24 ngày nghỉ. Theo xác minh của Thanh tra Chính phủ, bà Sâm đã đi Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc…, trong đó, chuyến dài nhất là 9 ngày.

Đáng lưu ý, có chuyến bà Sâm đi nước ngoài khi đang là thành viên của đoàn thanh tra. Cụ thể, ngày 12/4/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn… tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Bà Sâm là một trong 9 thành viên của đoàn thanh tra này, còn ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I, làm trưởng đoàn.

Việc đi nước ngoài không xin phép của bà Sâm, theo Thanh tra Chính phủ, đã vi phạm quy định số 228 của Ban Bí thư Đảng khóa XI về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài cùng một số quy định khác.

Cơ quan này kết luận rằng “vi phạm của bà Sâm làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Thanh tra Chính phủ…”, song đồng thời đưa ra nhiều yếu tố giảm nhẹ, như bà Sâm “đã nhận thức được khuyết điểm của mình, đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, “có nhiều thành tích trong công tác, chủ động báo cáo vi phạm”.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ quyết định kỷ luật theo hình thức khiển trách với bà Sâm (quyết định ngày 14/5 do Phó tổng thanh tra Trần Ngọc Liêm ký), yêu cầu người vi phạm tuyệt đối không để xảy ra vụ việc tương tự “làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan”, nếu tái phạm sẽ “kỷ luật nghiêm”.

Vì thời điểm xảy ra sai phạm là khi bà Sâm là thanh tra viên chính thuộc Vụ I do ông Lê Sỹ Bảy làm Vụ trưởng, nên Thanh tra Chính phủ yêu cầu Vụ I kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.

Các bản tin không nêu thông tin về hoạt động của bà Sâm trong các chuyến ra nước ngoài trên. Trong thời gian bà Sâm được công bố đã ra nước ngoài không phép (từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2018), Thanh tra Chính phủ đã bước sang đời Tổng Thanh tra Chính phủ thứ ba, là các ông Huỳnh Phong Tranh (2011-2016), Phan Văn Sáu (2016-2017), Lê Minh Khái (2017-2021).

Theo công bố của Thanh tra Chính phủ, Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ I) có chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Thông tin và truyền thông, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, NN-PTNN, Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; giúp Tổng Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo hoạt động của các đoàn thanh tra; quản lý cán bộ, công chức và tài sản được giao…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Thanh tra Chính phủ cử hàng loạt cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác nước ngoài