17 ngày sau khi nước đầu nguồn bị nhiễm dầu thải, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwaspuco) gửi lời xin lỗi, thông báo miễn phí tiền nước trong kỳ xảy ra sự cố.

nước nhiễm dầu thải, nước sông Đà
Loại dầu thải, các chỉ số hóa chất trong nước nhiễm dầu thải tới nay vẫn chưa được công bố. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Ngày 25/10, Viwaspuco công bố thông cáo báo chí về “sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà”.

Theo nội dung thông cáo, Viwasupco thừa nhận “chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với trường hợp khẩn cấp do con người cố tình gây ra”. Theo Viwasupco, công ty đã “lúng túng trong xử lý ban đầu”, gây nên tình trạng đảo lộn trong sinh hoạt của người tiêu dùng.

Viwasupco mong muốn “thông qua các cơ quan thông tấn báo chí gửi đến người dân lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ” – thông cáo viết.

Về đền bù tổn thất, lãnh đạo công ty cho biết sẽ miễn phí tiền nước trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước).

Ngoài ra, Viwasupco cam kết sẽ có phương án ứng phó cho tất cả các tình huống khẩn cấp, lập kế hoạch mua trang thiết bị, tuyển dụng và đào tạo nhân sự… để cung cấp nước ổn định với chất lượng đáp ứng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Về sự cố nước nhiễm dầu thải, Viwasupco cho biết đã “hoàn tất khắc phục sự cố” và cho rằng công ty “đã đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng”. Theo Viwasupco, kết quả xét nghiệm của Quatest, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định nguồn nước Sông Đà đảm bảo các tiêu chí theo Quy chuẩn chất lượng Việt Nam do Bộ Y tế ban hành, “an toàn để người dân sử dụng vào sinh hoạt, ăn uống”.

Về giải pháp xử lý nước nhiễm dầu, Viwasupco cho hay đã vớt váng, dùng phao, gối hút dầu để hút dầu trên khu vực đầu nguồn; đổ than hoạt tính trên kênh dẫn vào hồ chứa (dài 3km); nạo vét lớp đất đá dính dầu và bùn ao trên khu vực nhiễm dầu (gồm bùn ao của các hộ dân lân cận).

Ngoài ra, Công ty cho biết súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm điều tiết; thay mới toàn bộ cát lọc; phối hợp với các đơn vị phân phối nước súc xả tuyến ống và bể chứa của khách hàng.

Về nguyên nhân vụ việc, Viwasupco dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho hay “sự cố bắt nguồn từ hành vi đổ một lượng lớn dầu thải vào nguồn nước”. Thông cáo không nêu cụ thể loại dầu thải và phương án đối với tình trạng hồ chứa nước dùng chung với hồ thủy lợi Đầm Bài.

Sơ lược diễn biến vụ “nước nhiễm dầu thải”

Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài – nơi chứa nước, dẫn nước thô về Nhà máy nước sạch Sông Đà để xử lý.0

Ngày 9/10, tại Hòa Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwaspuco) phát hiện vết dầu loang, thông báo với chính quyền và công an xã, huyện, thuê người vớt dầu, dùng phao ngăn váng dầu, nhưng không thông báo cho người tiêu dùng. Nhà máy nước sạch Sông Đà vẫn hoạt động, cung cấp nước bình thường.

Từ ngày 9-10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét, nồng, sặc mùi hóa chất. Người dân dùng nước “nhỏ giọt” theo các téc nước do ban quản lý chung cư mua hoặc tự mua.

Ngày 11/10, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm tại Viwaspuco (Hòa Bình) và Viwaco (Hà Nội). Dự kiến có kết quả sau 7-10 ngày làm việc.

Ngày 14/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết nguồn nước sạch do Công ty Sông Đà cung cấp cho Hà Nội bị nhiễm dầu thải.

Ngày 15/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nước sinh hoạt có mùi lạ do nồng độ chất styren cao từ 1,3 – 3,6 lần mức cho phép. TP Hà Nội khuyến cáo người dân không dùng nước máy sông Đà để ăn uống. Viwasupco tạm ngừng cấp nước, súc xả tuyến ống truyền tải nước.

Sau khuyến cáo không dùng nước sông Đà để ăn uống, nước đóng chai tại thị trường Hà Nội khan hiếm, loạn giá.

Ngày 16/10, UBND TP Hà Nội thông báo nước sông Đà đạt chuẩn, có thể dùng ăn uống.

Từ ngày 17/10, các chung cư, hộ dân thau rửa toàn bộ bể chứa. Một người tử vong khi thau rửa bể ngầm của gia đình (tối 22/10).

Ngày 23/10, khởi tố 3 nghi phạm đổ dầu thải. Dầu thải có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ), do người của công ty này thuê các nghi phạm đưa đi đổ. Các tình tiết liên quan chưa được làm rõ (đường đi, loại dầu thải, người thuê đổ…)

Ngày 22/10, UBND TP Hà Nội công bố “nước sông Đà có thể ăn uống”.

Ngày 23-24/10, xuất hiện nghi vấn dầu thải đổ vào nguồn nước sạch sông Đà có nguồn gốc từ cặn dầu do đốt lốp cao su thải, do Công ty Thanh Hà đã vận hành dây chuyền nung lốp cao su phế thải để thu dầu FO – R (từ năm 2012).

Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu chất lỏng màu đen tại các thùng do đại diện Công ty Thanh Hà xác định là cùng loại với chất thải được đưa đi vào ngày 7/10.

Ước tính tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ, tập trung tại khu vực Tây Nam Hà Nội. Mức độ ảnh hưởng tính theo lưu lượng cấp khoảng 250.000-260.000 m3/ngày đêm.

Số liệu tổng thiệt hại của người dân, đơn vị phân phối, đơn vị cấp nước… chưa được các cơ quan liên quan cung cấp.

Vĩnh Long

Xem thêm: