Kết quả quan trắc mới nhất về chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy chất lượng nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn, không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau xử lý.

song dong nai
Sông Đồng Nai (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Theo kết quả quan trắc tháng 8/2019 của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai tại 4 đoạn chảy qua địa bàn tỉnh, chất lượng nước mặt trên các sông, suối tại Đồng Nai không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).

4 đoạn được quan trắc gồm: đoạn 1 từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An; đoạn 2 từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa – Bửu Long; đoạn 3 từ Bến đò Biên Hòa – Bửu Long đến cầu Đồng Nai và đoạn 4 từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn.

Các chỉ số đo được sau quan trắc như hàm lượng Amoni, TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng oxy hòa tan trong nước), COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh hoá), dinh dưỡng và vi sinh, E.Coli và Coliform… đều vượt từ vài lần đến hàng trăm lần quy chuẩn cho phép.

Cụ thể: hàm lượng COD vượt từ 1,1 – 1,3 lần; TSS vượt 1,4 – 4,6 lần; Amoni vượt 1,1 – 2,6 lần; E.Coli vượt 18,6 – 150 lần; Coliform vượt 3 – 9,2 lần.

Từ kết quả quan trắc nói trên, Sở TN-MT nhận định chất lượng nước không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau xử lý. 

Sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước thô chính phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tình trạng suy giảm chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đang không chỉ làm gia tăng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tại đây, mà còn an ninh nguồn nước của hàng chục triệu cư dân vùng Đông Nam bộ.

Ông Lê Văn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đồng Nai) cho biết các chỉ số ô nhiễm nói trên đều thể hiện sự ô nhiễm hữu cơ, tức là nguồn ô nhiễm xuất phát từ các hoạt động dân sinh như nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm, số ít từ các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ nằm xen lẫn giữa các khu vực dân cư.

Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai cho biết Sở đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để đảm bảo chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. 

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, công ty đã đầu tư thêm một số công nghệ xử lý nước tiên tiến để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt phục vụ người dân, tuy điều này cũng làm gia tăng chi phí cho công ty.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng đó chỉ là xử lý phần ngọn. Nếu không sớm có giải pháp kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là khi sông Đồng Nai đang là nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân trong khu vực.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: