“Những con người đấy, họ nhận nhiệm vụ của Tổ quốc, họ chiến đấu bảo vệ đất nước, chết mà không được nói. Đó là điều mà các nhà sử học không đồng tình. Các khoảng trống đó cần phải được lấp đầy…”, PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà được xoay quanh những suy nghĩ về việc cần tôn trọng lịch sử cũng như tâm niệm của người viết sử. Làm sao để lịch sử khách quan và không khô cứng, làm sao để những ghi chép tiệm cận được đến chân lý… đó là những trăn trở không chỉ của riêng ông.

pgs ts nguyen manh ha cac khoang trong lich su can phai duoc lap day 1
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà

Chiến tranh luôn là góc lịch sử tang thương đối với bất kỳ dân tộc nào. Nhưng vì lý do này khác, thông tin về các cuộc chiến nhiều khi vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Từ góc nhìn của một sử gia, ông suy nghĩ thế nào về điều này?

Người viết sử luôn mong muốn viết được càng nhiều càng tốt, càng tiệm cận được đến chân lý được càng nhiều thì càng tốt. Đó chính là trách nhiệm của người cầm bút.

Tôi mong muốn tất cả các sự kiện lịch sử cần phải được đề cập. Như trong thời kỳ lịch sử hiện đại, có rất nhiều nội dung cần phải làm rõ hơn, ví dụ cải cách ruộng đất vào cuối thời chống Pháp, đầu thời chống Mỹ. Hay như chiến tranh ở biên giới Tây Nam, chiến tranh ở biên giới phía Bắc đã diễn ra cách đây mấy chục năm rồi nhưng cũng chưa được đề cập nhiều, có khi chỉ được mấy dòng thôi.

Hiện giới sử học đã đồng ý đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình biên soạn sách giáo khoa thì đưa vào giảng dạy, nếu không thì sẽ tạo ra một khoảng trống lịch sử. Học sinh các thế hệ sau không bao giờ biết, không thể biết được.

Những khoảng trống lịch sử ấy cần được bù đắp ra sao, thưa ông?

Ví dụ, để giải thích tại sao đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội trong khoảng thời gian này, thì cân phải đề cập đến một trong những nguyên nhân là do phải dồn của cải, nhân lực vào hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới. Nếu không đề cập và giải thích có nguyên nhân là do chiến tranh biên giới thì lịch sử sẽ không đầy đủ. Mà hai cuộc chiến tranh này lại có những liên hệ chặt chẽ với nhau nên nếu chỉ đề cập một cách sơ lược về các cuộc chiến tranh biên giới, không nói rõ vì sao cuộc chiến tranh đó diễn ra, diễn biến, hậu quả của nó như thế nào thì sẽ không đầy đủ và có thể dẫn tới sự hiểu sai sự thật lịch sử. Điều này rất nguy hiểm khi người dân và thể hệ trẻ có nhận thức không đúng về những sự kiện lịch sử đẫ diễn ra.

Bởi vì chiến tranh ở biên giới Tây Nam là quân Khơ-me Đỏ của chính quyền Campuchia Dân chủ do Pôn Pốt đứng đầu, đã gây chiến rồi xua quân đánh Việt Nam. Có một thực tế là giữa Đảng Cộng sản Campuchia và Đảng Lao động Việt Nam lúc đó đang phối hợp chiến đấu với nhau đánh Mỹ và quân Lon Non nhưng rồi sau khi giành được thắng lợi thì lại quay ra đánh nhau, nên giờ phải giải thích lý dọ tại sao lại xảy ra như thế. Lý do tại sao Campuchia, một nước nhỏ hơn, lực lượng yếu hơn lại mang quân sang đánh vào khu vực biên giới phía Tây Nam Việt Nam. Bây giờ, căn cứ vào các yếu tố thực tiễn đã diễn ra, phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary tiến hành chứ không thể coi đó là cuộc xung đột biên giới được. Vì nó có đầy đủ tính chất của một cuộc chiến tranh.

pgs ts nguyen manh ha cac khoang trong lich su can phai duoc lap day 3

Đối với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, cũng cần phải giải thích tại sao chiến tranh chống Mỹ vừa mới kết thúc được gần 4 năm, thì đầu năm 1979, Trung Quốc mang 60 vạn quân đánh Việt Nam. Ví dụ, trong sách lịch sử, sách giáo khoa, chúng ta chỉ ghi ngày đó (17/2/1979), Trung Quốc đưa quân sang Việt Nam, mà không giải thích tại sao Trung Quốc lại làm như vậy, thì không thể viết như thế được. Cho nên phải viết cụ thể, lý do tại sao để cho mọi người hiểu. Vì đây là một sự kiện rất lớn. Phía Việt Nam bị chết tới hàng chục nghìn người, nhiều thành phố, thị xã, làng mạc, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… bị tàn phá, nhiều nhà dân bị đốt, mất hết chỗ ở và phương tiện sinh sống…, chỉ trong một thời gian ngắn. Những con người đấy, họ nhận nhiệm vụ của Tổ quốc, họ chiến đấu bảo vệ đất nước, chết mà không được nói. Đó là điều mà các nhà sử học không đồng tình. Các khoảng trống đó cần phải được lấp đầy. Nếu không hậu quả sẽ tạo ra khoảng trống về tư duy, khoảng trống về ý thức chủ quyền dân tộc.

Bản thân tôi trong các bài viết, trên các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ hoặc thảo luận, hay trả lời phỏng vấn, khi đề cập tới chuyện đó, tôi đều nói. Tôi coi đấy là trách nhiệm của người làm sử, là làm sao phản ánh được sự thực của lịch sử một cách trung thực. Trách nhiệm này cũng chính là trách nhiệm làm sao để cho mọi người, kể cả bên nước ngoài có liên quan, người ta hiểu đúng về sự thực lịch sử đã diễn ra, đồng thời hiểu thêm về quan điểm của các nhà sử học Việt Nam.

Vậy còn đối với những người không đọc báo, không tham gia diễn đàn… thì làm sao để họ biết?

Chỉ có cách là viết vào trong lịch sử của mình, phải đưa vào. Quan điểm của các nhà sử học là có tư liệu cứ viết ra, cố gắng phản ánh chân thực lịch sử.

pgs ts nguyen manh ha cac khoang trong lich su can phai duoc lap day 2

Nhiều ý kiến cho rằng “người Việt ít quan tâm lịch sử” khi nhìn vào từ văn hóa đọc đến thực tế thi cử, chọn ngành học, chọn nghề nghiệp… Người Việt thực sự không quan tâm tới lịch sử, hay còn vì một lý do nào khác, thưa ông?

Tôi khẳng định là người Việt Nam rất thích sử. Bởi vì dân tộc Việt Nam có một chiều dài lịch sử rất đặc biệt, lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn liền với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong lịch sử thành văn của dân tộc Việt Nam, GS Sử học Phan Huy Lê đã thống kê là dân tộc Việt Nam từng phải chống lại tới 17 cuộc chiến tranh xâm lược, kể từ thời dựng nước tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (17/2/1979). 17 cuộc chiến đó chiếm một khoảng thời gian tới 12 thế kỷ.

Vậy đâu là nguyên nhân học sinh thì không thích học sử, sinh viên thì không muốn vào ngành sử? Ngoài lý do đặc thù là coi môn sử là một môn học khô khan, không hấp dẫn, phải nhớ nhiều sự kiện, con số; nguyên nhân kinh tế là học ra khó tìm được việc làm, thu nhập thấp… thì một nguyên nhân quan trọng là lâu nay quan điểm viết sử nghiêng về chuyện “ta thắng, địch thua”, “ta đúng, địch sai”. Như vậy là chưa khách quan. Dẫn đến tình trạng học sinh cứ mở sách ra, chưa cần biết nội dung sự kiện lịch sử diễn ra thế nào đã có suy nghĩ ta thế nào chẳng thắng. Điều ấy tự nhiên đã gây nên sự phản cảm, sự nhàm chán. Đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai là các số liệu công bố có khi không phải số liệu thực, nói cao thành tích, kết quả, giấu những tổn thất, những sai lầm. Sách sử hiện nay có trong tình trạng như thế. Hầu như những sai lầm, khuyết điểm, nếu có nói, có đề cập đến nhưng  rất sơ lược. Trong khi đó những thành tích, những thành công thì viết rất tỉ mỉ, rất cụ thể.

Thế cho nên người đọc nói chung, lớp trẻ, học sinh, sinh viên nói riêng thấy rằng lịch sử của chúng ta viết ra lâu nay chưa được phản ánh một cách khách quan và khô cứng. Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, cần có sự thay đổi về quan điểm nhận thức, đánh giá để làm cho lịch sử ngày càng chân thực hơn, hấp dẫn hơn.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Thực hiện: Nghinh Xuân 

Ảnh: Kim Tuyến

Xem thêm: