Tính chính danh và uy tín thực sự của chính quyền

lay phieu tin nhiem
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2012, và diễn ra lần đầu tiên vào năm 2013.

Vì sao cần lấy tín nhiệm? Nghị quyết 35 của Quốc hội cho hay điều này là để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấurèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Dễ nhận thấy trong ba mục đích trên, thì việc để “bố trí, sử dụng cán bộ” được nhắc tới sau cùng. Gạt qua lớp ngôn từ mang màu sắc dân túy, hai mục đích được nhắc tới trước tiên cho thấy vai trò của chức năng giám sát của các đại biểu và chức năng giám sát của người dân.

Trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại Điều 2 đã giải thích nội hàm khái niệm giám sát như sau:

Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.”

Như vậy, theo định nghĩa trên, thì mục đích của giám sát chính là để tạo ra sự ràng buộc về trách nhiệm đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm các đối tượng này thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm theo luật định, hạn chế sự lạm quyền, tệ nạn quan liêu, tham nhũng.v.v…

Trên cơ sở giám sát, thì đánh giá mức độ hiệu quả làm việc. Làm việc tốt thì tín nhiệm tốt, làm việc không tốt thì không có được sự tín nhiệm. Đối với các chức danh thì việc lấy phiếu tín nhiệm đương nhiên liên quan tới việc xác định tính chính đáng của chức danh. Không đủ năng lực đảm đương chức vị, không hoàn thành vai trò thì cũng không có lý do gì để tại vị. Bởi thế, cũng nói cách khác, còn tín nhiệm thì còn chức quyền, hết tín nhiệm thì hết chức quyền. Uy tín ở đây được đưa ra như phép cân bằng về quyền lực.

Nhưng các chức danh vốn không mang tính cá nhân. Nó thể hiện cho những thực thể nằm trong hệ thống chính quyền. Bởi vì “chính quyền là một tập hợp các cá nhân và thiết chế với chức năng làm ra và thực thi luật pháp trong và cho một xã hội” (1), mức độ tín nhiệm của các chức danh trong hệ thống ấy gián tiếp khẳng định tính chính danh của chính quyền, thể hiện qua việc chính quyền ấy sở hữu những cá nhân có uy tín và một chế độ giám sát hiệu quả.

Nhưng tính chính danh thì vốn mơ hồ. Thực ra, nói chính xác hơn, khó có thể dùng quyền lực để xác lập tính chính danh. Bởi vì về bản chất, tính chính danh của một chính quyền được xác lập dựa niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền/đảng cầm quyền là đúng, là chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng tin tưởng, chấp thuận các quyết sách của chính quyền ấy. Có trường hợp chính quyền được thành lập hợp pháp, nhưng không được người dân cho là hợp lý, nên vẫn thiếu tính chính danh, không được phục tùng, cuối cùng bị thay thế. Bầu cử hay lấy phiếu tín nhiệm là những cách để chính quyền cân đo về tính chính danh.

Nhưng thiết lập/duy trì tính chính danh khác với việc tự khẳng định. Tính chính danh được duy trì dựa trên sự uy tín của chính quyền được người dân thừa nhận phổ biến. Tính chính danh “hợp pháp, hợp lý” khó có thể được thừa nhận ở một nơi mà các chỉ số đời sống dần tiệm cận mức nguy hiểm, người dân không còn niềm tin vào lý luận quyền lực để phụng sự (chính quyền của dân, do dân, vì dân).

Càng khó có thể xác định được tính chính xác sự tín nhiệm của người dân đối với chính quyền bằng việc dựa trên phiếu tín nhiệm được đánh giá bởi một cộng đồng dân biểu đã mất tín nhiệm đối với người dân. Việc thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6/2018 như giọt nước tràn ly đối với kỳ vọng của người dân vào ĐBQH, gây ấn tượng cực kỳ xấu đối với việc lạm quyền, hay ít nhất là làm ngơ của các vị đại biểu đối với trách nhiệm giám sát Chính phủ. Đó là khi các ĐBQH tự làm hao mòn mức độ tín nhiệm khi người dân không còn niềm tin rằng họ đã “tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình“. Hay nói như nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, “giám sát thường sẽ chẳng đi đến đâu nếu thiếu một ý chí chính trị” (2).

Khi bị mất dần tính chính danh, chính quyền có xu hướng xác lập lại nó. Chính quyền dưới thời Trump là một ví dụ cho việc chính quyền lấy lại niềm tin của dân chúng qua việc phát triển kinh tế, từ đó giảm thất nghiệp, tăng việc làm, giảm thuế, giảm tệ nạn, cung cấp các dịch vụ an sinh hợp lý, lấy lại sự tự tin quốc gia… Một cách khác là chính quyền tự khẳng định tính chính danh. Các giải pháp thực chất không được thực hiện, nhưng bầu cử, bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm vẫn được đẩy lên theo định kỳ. Kết quả công khai, đưa tin phủ rộng. Nhưng tỷ lệ càng cao càng ít tính thuyết phục. Mức độ tín nhiệm càng khả quan càng gây hiệu ứng ngược khi người dân càng có cơ sở để khẳng định chính quyền không còn nằm trong quan hệ với công dân, mà thay vào đó, đối với chính quyền, công dân đơn giản chỉ là một phần không thể thiếu để khẳng định quyền lực.

Mặc dù vậy, “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Tha hóa ở đây có lẽ không nên chỉ hiểu là sự biến dạng quyền lực, khiến con người tiếm quyền độc tài, lợi dụng quyền lực để đoạt được đặc quyền. Nếu định nghĩa con người là tổng hòa của nhân cách và phẩm giá, thì tha hóa tuyệt đối sẽ dẫn con người tới sự hủ hóa về nhân cách, hao mòn phẩm giá. Điều này đơn giản là dẫn tới sự triệt tiêu con người.

Lê Trai

Chú thích:

  1. Austin Ranney, An Introduction to Political Science, lần xuất bản thứ 8, Prentice Hall xuất bản, tr.26
  2. TS Nguyễn Sĩ Dũng, Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2017, tr.182

Xem thêm: