Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một người tham gia trong các hoạt động biểu tình phản đối nhà máy Formosa xả thải gây thảm họa môi trường, phản đối “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng…, cũng là người gây quỹ từ thiện “Quỹ 50 ngàn” để giúp thân nhân các tù nhân lương tâm tại Việt Nam, bị bắt trong tuần lễ Việt Nam công bố nhân sự Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ mới.

nguyen thuy hanh
Bà Nguyễn Thúy Hạnh. (Ảnh: Nguyễn Lân Thắng/Facebook)

Chiều tối ngày 7/4, Cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội cho biết đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng trong thông báo, cơ quan này cho biết vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra làm rõ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ngày 8/4 đưa ra quan điểm phản đối vụ bắt giữ, trong đó nhận định bà Nguyễn Thúy Hạnh bị nhắm đến bởi việc làm nhân đạo hỗ trợ những người đi tù oan.

Tổ chức này kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho bà Hạnh cũng như những người bảo vệ nhân quyền, người chỉ trích ôn hòa. “Các nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội,” tổ chức này đưa ra phát ngôn.

Theo tin từ bạn bè, gia đình, bà Hạnh bị bắt bất ngờ vào thời điểm ông Huỳnh Ngọc Chênh – chồng bà Hạnh, cũng là một người ủng hộ các hoạt động nhân quyền, vắng nhà và đang ở Đà Nẵng.

Sau khi trở về và tới cơ quan an ninh điều tra công an Hà Nội làm việc theo yêu cầu, ông Chênh được điều tra viên chỉ huy vụ án cho biết công an chỉ thu vài đầu sách, vài tài liệu viết tay và một chiếc điện thoại hiệu iPhone của bà Hạnh.

Tuy nhiên, với những vật phẩm bị thu giữ làm bằng chứng, ông Chênh phủ định cáo buộc bà Hạnh vi phạm Điều 117, khi ông cho hay mấy cuốn sách mà công an tịch thu hôm 7/4 là của ông chứ không phải của bà Hạnh; đó là sách do bạn bè tặng, ông Chênh đọc xong thì thì thường đốt nhưng có thể sót lại vài cuốn mà ông không để ý. Các tài liệu chép tay của bà Hạnh, “có lẽ là mấy tờ ghi chép gì đó để tập đàn piano và ghi chép chi tiêu”. Ông Chênh cho biết bà Hạnh không đọc sách chính trị, không dùng laptop, chỉ làm thơ trên điện thoại và lưu trên đó.

“Tuy nhiên họ biết mấy thứ đó không gây nguy hiểm cho chế độ mà việc Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm mới gây nguy hiểm. Nhưng khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác.” – ông Chênh nhận định.

Bà Hạnh từng bỏ tiền túi giúp một cựu chiến binh, tù nhân lương tâm mới ra tù hồi năm 2011, năm 2016 về miền Trung cứu trợ trong trận lũ lụt lịch sử và cùng năm, tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Trong nhiều năm, bà Hạnh tham gia trong các hoạt động biểu tình phản đối chặt cây xanh, phản đối nhà máy Formosa xả thải gây thảm họa môi trường, phản đối “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, phản đối Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng…

Tới tháng 4/2018, bà Hạnh thành lập “Quỹ 50 ngàn” với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả chi phí thuê luật sư cho các nhà hoạt động xã hội. Sau đó, Quỹ tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình với mức hỗ trợ 2-4 triệu đồng/gia đình/tháng tùy theo hoàn cảnh.

Quỹ 50 ngàn trở thành thông tin nổi bật sau vụ Đồng Tâm (đêm 8 – rạng sáng 9/1/2020), khi bà Hạnh nhận lời làm cầu nối nhận số tiền phúng viếng ông Lê Đình Kình. Số tiền này được tiếp nhận vào tài khoản cá nhân của bà Hạnh, độc lập với Quỹ 50 ngàn. Số dư tài khoản nhanh chóng tăng lên 570 triệu đồng, sau đó, bị ngân hàng áp lệnh phong tỏa. (*)

Theo những ghi nhận từ người thân và bạn bè, bà Hạnh đã bị truy vấn và gây áp lực liên tục trong nhiều tháng trước khi có quyết định bắt giam.

Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết sau vụ việc ngày 7/4: “Bắt đầu những cuộc làm việc bằng giấy triệu tập từ cuối 2020 và kết thúc bằng một lệnh bắt đầu tháng 4/2021. Đó là một hành trình dài, đủ để chị Hạnh biết mình có lẽ sẽ bị bắt. Nếu chị thực sự chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến quỹ 50k, chuyện hôm qua [7/4] đã không xảy ra. Nhưng vì những hoàn cảnh của gia đình các tù nhân lương tâm, chị không thể dừng lại.”

Theo nhà báo, võ sư Đoàn Bảo Châu, vụ bắt giữ đã đi ngược lại lương tri, khi sự ủng hộ lẫn nhau về tiền bạc là một quan hệ dân sự, không hề vi phạm pháp luật, tuy nhiên người làm việc này lại bị quy kết theo một tội danh khác. Theo ông Châu, “hành động bắt bớ này thể hiện một sự lạm quyền”, “cách điều hành xã hội này sẽ kéo chậm lại sự tiến bộ của đất nước, khiến các nước văn minh xa lánh…”.

(*) Chỉnh sửa chi tiết vào 21h06 ngày 11/4/2021.

Xuân Tường

Xem thêm:

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam bị khởi tố, bắt tạm giam