Trong thông báo mới nhất chốt lại việc quản lý, khai thác “đào rừng”, Bộ NN-PTNT chỉ nêu giải pháp đối với nhóm cây được trồng, không đề cập tới nhóm cây tự nhiên trên rừng, trong khi cây rừng/đào rừng mới là chủ thể chính của cuộc bàn luận về chính sách này.  

dao rung 01
Những cây đào ở vạt đồi Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh: NguyenQuocThang/Shutterstock)

‘Việc khai thác cây đào, mai ngoài rừng tự nhiên do người trồng quyết định’

Ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn ký văn bản gửi các địa phương hướng dẫn việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên.

Bộ NN-PTNT cho biết đối với cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng, thì chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Đối với việc quản lý nguồn gốc, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh ngoài tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng thì tùy theo điều kiện cụ thể có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ cây cho phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây “ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp”.

Trong khi nêu chung chung giải pháp trước mắt cho chính quyền các tỉnh, về cơ chế, chính sách quản lý cụ thể, Bộ NN-PTNT “xin đỗi” khi cho biết sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu để việc thực thi được đúng luật, phù hợp thực tiễn, rồi sẽ áp dụng thống nhất cho việc khai thác đào rừng trong cả nước.

Sơn La: Giới chức huyện đề xuất dán tem để truy nguồn gốc đào rừng, đào trồng

Còn hay không đào rừng? Quản rừng hay quản người canh rừng?

Việc kiểm soát đào rừng – đào trồng được dấy lên sau một phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12. Ông Phúc nói: “Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm”.

Phát ngôn trên gây tranh cãi trong dư luận vì nhiều người cho rằng ông không hiểu bản chất của “đào rừng”. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân hôm 26/12, rằng: “Đào rừng chứ không phải cây gỗ rừng, có cả đào mọc tự nhiên và đào bà con tự trồng, đừng nhầm, tội nghiệp” “Ai đó và nhiều ai đó nữa mua, chặt đào rừng về chưng Tết để mấy hôm sau từ cành đào thành cành củi thì đó là lối chơi “khùng”, góp phần phá vẻ đẹp thiên nhiên, rất không nên.”

Ngày 4/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích câu trên có nghĩa là “cấm việc phá đào ở rừng tự nhiên, còn người dân tự trồng đào rừng thì khuyến khích, chứ không cấm.”

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn trước khi ký văn bản trên cũng cho hay: “Qua khảo sát thực tế như ở Lào Cai cũng không còn đào trên rừng để chặt. Tuy nhiên cần phải kiểm soát, quản lý đào rừng, cây rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở… Về lâu dài, cây này có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn và có bàn tay của nghệ nhân chăm sóc sẽ có giá trị rất lớn.” – theo Tuổi Trẻ ngày 16/1.

dao rung 1
Một cây đào rừng được chia sẻ trên nhóm trên mạng Facebook ngày 27/12/2020. (Ảnh: Nguyễn Hữu Tiệp/Otofun/Facebook)

Đáng chú ý, fanpage Otofun trên mạng Facebook ngày 27/12 diễn ra một cuộc thảo luận công khai về việc nhận biết đào rừng và làm thế nào để có một cành đào rừng, từ cách đưa ra khỏi rừng tới giá tiền.

Trong bài đăng của tài khoản “Phát Xít Đức”, người này cho biết đào bây giờ chủ yếu ở nhà dân và trên nương, rẫy là còn. Loại này được trồng rất nhiều nhưng đại đa số cây có tuổi đời thấp, chỉ 10 năm trở về và chưa rêu mốc. Còn đào rừng thật rất kén người chơi và không phải ai cũng có điều kiện để chơi. Giá đào tùy loại, từ 500.000 đồng đến 100 triệu 1 cành “là bình thường”.

“Đào đá trong rừng tự nhiên giờ rất hiếm, muốn mang về được thì mở đường và phá rừng để chuyển một cành đào là có thật. Những cành như thế thường thì khách sẽ đặt luôn và có giá rất rất trên trời”. “Gần như đào muốn ra được thì đều có giấy và dấu. Chi phí để 1 cành đào phải gánh khi về được xuôi thì các bác cứ nhân 3, 4 lần cho.” – người này cho hay.

dao rung
Một nhánh đào rừng với đủ rêu mốc, lá, nụ được chia sẻ trên nhóm trên mạng Facebook ngày 27/12/2020. (Ảnh: Nguyễn Hữu Tiệp/Otofun/Facebook)

Thừa nhận những điều trên, tài khoản Chung Hoàng kể: “Gần nhà mình có một ông chú có bạn trên vùng Mù Căng Chải. Năm vừa rồi đi tìm cành đào trong rừng mà 4-5 ngày mới tìm được. Tìm được xong đưa ra mất nguyên một tuần, còn phải cho tiền dân bản chỉ đường”. 

Tài khoản LaVie Nguyen: “Bây giờ người khôn của khó… Để bốc được một cành đào rừng chính hiệu xuống thành phố không phải chuyện đơn giản… Ngày xưa năm 2013 mình đã làm một mùa đào rừng mà lãi không thể ngờ luôn…”

Vĩnh Long

Xem thêm:

Gỗ lậu từ rừng nguyên sinh bị tàn phá ’chạy’ vào nhà… tổ trưởng bảo vệ rừng