Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng qua các vụ Hồ Duy Hải, vụ nhảy lầu tự tử ở Bình Phước…, dư luận hoài nghi phán quyết của toà án, đây “là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân”. Đại biểu ngành tòa án phản bác rằng “không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp”.

dbqh hoang duc thang 1
Đại biểu Hoàng Đức Thắng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu tại Quốc hội sáng 13/6, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng một số vụ án vừa qua khi tòa xét xử đã gây nghi ngờ, bức xúc trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn của toà án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Một số vụ án được dẫn chứng như: Vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Bình Phước, vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh…

Điển hình là vụ “gỗ lậu” ở Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà đoàn đại biểu Quảng Trị đã nhiều lần đưa ra tại diễn đàn Quốc hội. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều đại biểu kiến nghị giám đốc thẩm vụ án nhưng gần một năm mà cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét trả lời.

“Vụ án chưa được đưa ra xét xử trong khi người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức. Của cải bị bán, bị tịch thu, người thì uất ức tự tử, người còn lại vào vòng tù tội đang tiếp tục kêu oan trong nỗi chờ mỏi mòn vào công lý để nỗi oan khiên được minh gỉai”, ông Thắng nói.

Ông Thắng nhận định “đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân”, là hồi chuông để thôi thúc Quốc hội thực hiện trách nhiệm giám sát để pháp luật được thượng tôn, lấy lại niềm tin nhân dân vào nền tư pháp…

dbqh pham hong phong
Đại biểu Phạm Hồng Phong. (Ảnh: Quochoi.vn)

Giơ biển tranh luận, đại biểu Phạm Hồng Phong – Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng khi xét xử, hội đồng xét xử nhiều khi phải đọc hồ sơ chất cả xe ôtô, phải đọc nhiều tháng, phải kiểm tra các chứng cứ qua các lời khai, rồi tranh tụng tại phiên tòa rồi mới đưa ra các phán quyết.

“Chúng ta không nên dựa trên một vài trang giấy hay vài bình luận của báo để đưa ra quyết định, thì tôi cho là thiếu cơ sở”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, trong hoạt động xét xử có 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật, buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành.

Nếu người tham gia tố tụng cho rằng có sai phạm thì có quyền làm đơn khiếu nại theo giám đốc thẩm và tái thẩm, khiếu nại đến đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH để kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban của Quốc hội cũng có thể thành lập đoàn giám sát xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật.

“Chúng ta không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp. Tôi chia sẻ sự mất mát của gia đình nhưng không nên bức xúc mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc, thiếu suy nghĩ, thiếu chính chắn, mà phải tiếp tục thực hiện các bước còn lại theo luật định”, đại biểu ngành tòa án nói.

Đầu giờ chiều, ông Thắng giơ bảng đề nghị được phát biểu, khẳng định các vụ án gây hoài nghi đã dẫn là có thật, nêu ra không phải để đánh giá xử lý đúng hay sai mà để ngành Tòa án, các cơ quan tư pháp “tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại”.

Trước nhận định của ông Phong “đừng để lực lượng chống phá lợi dụng”, ông Thắng cho rằng phát biểu này vô tình dẫn dắt suy nghĩ là ông Thắng nói theo báo chí, nói theo thế lực phản động, có dụng ý xấu. “Vậy đơn giản là không để cho chúng chống phá ta thì chúng ta không để sơ hở. Phải sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái thì ai chống phá ta được”, ông Thắng nói.

Sau đợt tạm dừng để ngừa bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan, hệ thống tòa án hoạt động trở lại, nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều phán quyết trở thành những điểm nóng chính sự, với sự đau khổ, tuyệt vọng của những người liên quan, như kết quả bác kháng cáo, y án trong phiên xét xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, quyết định bác đơn kêu oan, tuyên y án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù với tài xế xe container vụ xe Inova đi lùi trên cao tốc, sự việc bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử sau 3 năm kêu oan và bị tuyên y án phúc thẩm tại TAND Bình Phước…

Nhiều chuyên gia tư pháp, luật sư, nhà báo, công chúng… lên tiếng phân tích từng vụ án, phản đối phán quyết của hội đồng xét xử, đồng thời bày tỏ hy vọng người có thẩm quyền hãy trả sự thật về với sự thật, đừng làm nền tư pháp “thê thảm” hơn.

Nguyễn Quân