Liên tiếp nhiều cán bộ ngân hàng bị phát giác có hành vi lừa đảo như: nói dối rằng cần tiền để đáo hạn ngân hàng, nâng “khống” số tiền vay của khách hàng… từ đó chiếm đoạt từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

lua dao chiem doat hang ty dong can bo ngan hang bi khoi to
Ông Huỳnh Tấn Anh Điệp, cán bộ một ngân hàng có chi nhánh ở Quảng Nam nghe cơ quan công an đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam. (Ảnh: Công an Quảng Nam/Facebook).

Ngày 17/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Huỳnh Tấn Anh Điệp (SN 1992, trú thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Các quyết định trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, trong thời gian ngắn, đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác ông Điệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng.

Theo kết quả điều tra, ông Điệp là nhân viên phòng khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Quảng Nam.

Trong năm 2021, lợi dụng mối quan hệ quen biết, ông Điệp vay mượn tiền của nhiều người với mục đích làm thủ tục đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Điệp đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân và sau đó không có khả năng trả nợ. Tổng số tiền ông Điệp đã chiếm đoạt của các nạn nhân là gần 2,3 tỷ đồng.

Trước đó tại Quảng Bình xảy ra vụ một cán bộ ngân hàng lừa đảo hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 11/3, TAND tỉnh Quảng Bình xét xử ông Dương Minh Phú – nguyên cán bộ ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Quảng Bình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, do cần tiền trả nợ và đầu tư chứng khoán, ông Phú – cán bộ Phòng giao dịch BIDV huyện Bố Trạch nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền thông qua việc nâng khống số tiền vay của khách hàng.

Trong quá trình làm hồ sơ vay, ông Phú nhận thấy nhu cầu vay của khách hàng thấp hơn rất nhiều so với tài sản thế chấp. Lợi dụng lòng tin của khách hàng, ông Phú đề nghị họ ký vào các hợp đồng vay vốn do mình lập, ký khống ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt chưa lập nội dung, tự ý nâng hạn mức tiền vay cao hơn nhu cầu của khách hàng.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, ông Phú tự mình tới bộ phận giao dịch khách hàng yêu cầu giải ngân với lý do khách hàng bận việc, do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) nên không đến nhận tiền được.

Tin tưởng ông Phú, cán bộ tại Phòng giao dịch Bố Trạch cho ông Phú nhận tiền. Nhận được tiền, ông Phú chuyển cho khách hàng số tiền đúng với yêu cầu họ cần vay; số tiền khống còn lại, ông Phú dùng tiêu xài cá nhân, đầu tư chứng khoán.

Bằng thủ đoạn này, trong vòng một năm, từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, ông Phú đã lập hồ sơ vay vốn, nâng khống hạn mức vay của 21 khách hàng, chiếm đoạt 27,5 tỷ đồng.

Khoảng tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, ông Phú còn vay tiền 5 người ở huyện Bố Trạch và 1 người ở TP. HCM. Ông Phú nói dối rằng vay số tiền này để đáo hạn cho khách hàng, tổng số tiền vay mượn trên 28 tỷ đồng.

HĐXX xác định phía bị hại là Ngân hàng BIDV Việt Nam đã bị ông Phú lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 30,6 tỷ đồng. Đối với 6 người cho ông Phú vay 28 tỷ đồng để đáo hạn, đây là giao dịch dân sự giữa ông Phú và các cá nhân này, không liên quan đến hoạt động của Ngân hàng BIDV Việt Nam nên ngân hàng không chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Phú 19 năm tù, đồng thời có trách nhiệm trả cho Ngân hàng BIDV Việt Nam số tiền 30,6 tỷ đồng. Đối với số tiền hơn 28 tỷ đồng ông Phú vay với của 6 người, những người này có quyền kiện ông Phú ra tòa trong một vụ án dân sự khác.

Khánh Vy