Bé trai P.T.H đang chơi đùa cùng bạn không may bị kéo thủ công đâm vào đầu, gây thủng hộp sọ, phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bé.

be trai bi dam thung hop so
Phim chụp cho thấy cây kéo đã xuyên qua xương sọ vào trong hộp sọ của bệnh nhi. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp/vtc.vn)

Ngày 19/1, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho bé trai P.T.H (SN 2011, ở Gia Lâm, Hà Nội – là học sinh lớp 6).

Bé H. vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào trưa ngày 18/1 trong tình trạng còn nguyên cây kéo cắm chặt vào đầu ở vùng thái dương phải. Kết quả chụp phim cho thấy cây kéo đâm qua xương sọ vào trong hộp sọ.

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi đùa với bạn cùng lớp, bé không may bị kéo thủ công đâm vào đầu. Ngay lập tức, cháu được đưa vào Bệnh viện Gia Lâm sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Nhận định các nguy hiểm cho cháu bé, các bác sĩ nhanh chóng cho dùng kháng sinh, tiêm thuốc phòng uốn ván, làm xét nghiệm chuyển phẫu thuật sớm.

Kíp phẫu thuật do bác sĩ Trần Minh Tân, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện đã mở rộng vết thương, mở xương sọ, lấy bỏ cây kéo khỏi hộp sọ của bệnh nhi, làm sạch dị vật tóc, xương vụn, lấy máu tụ, cầm máu não.

Sau mổ khoảng 1 giờ, cháu bé đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản trong niềm vui mừng của gia đình và ê kíp phẫu thuật. Cháu bé tiếp tục được điều trị tích cực với hi vọng có thể được về đón Tết sớm cùng gia đình.

Bác sĩ Tân cho biết với các trường hợp dị vật hộp sọ nguy cơ đầu tiên là chảy máu trong hộp sọ do dị vật gây rách màng não, tổn thương nhu mô não. Trường hợp này vị trí của cây kéo nằm ở vùng thái dương, nơi có động mạch màng não giữa đi qua, rất có thể gây đứt động mạch, gây ra máu tụ ngoài màng cứng.

Các trường hợp này nếu không được xử lý sớm, triệt để có thể gây áp xe não, viêm màng não về sau.

“Đây cũng là bài học cho gia đình và nhà trường trong việc quản lý con em khi sử dụng các vật dụng sắc nhọn, kể cả kéo thủ công. Với các trường hợp dị vật nói chung, dị vật hộp sọ nói riêng khi sơ cứu không được rút ngay dị vật vì có thể gây chảy máu không kiểm soát được. Cần chuyển bệnh nhân ngay đến tuyến chuyên khoa để được xử lý nhanh chóng và an toàn”, bác sĩ Tân nói.

Vào dịp gần Tết, các bệnh viện thường cấp cứu cho những trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích.

Mới đây, trong 3 ngày liên tiếp, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho 3 trẻ từ 17-21 tháng tuổi bị hóc hạt lạc nhập viện trong tình trạng suy hô hấp. Theo các bác sĩ, đây là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ vào dịp Tết.

Trong 3 trẻ trên, bệnh nhi N.P.M. (21 tháng tuổi, ở Bắc Giang) là phức tạp nhất, bị mắc dị vật hạt lạc hơn một tuần qua ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Bệnh nhi phải điều trị nội khoa để giảm viêm nhiễm trước khi nội soi gắp dị vật.

Với bé trai N.M K. (17 tháng tuổi, ở Bắc Ninh), bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay lúc ấy, bé được đưa đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện và được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ Khoa khám và thăm dò hô hấp thuộc Trung tâm hô hấp, tiến hành nội soi phế quản phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở.

Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ và lấy được hết dị vật ra ngoài, trong khi bình thường các ca gắp dị vật thường chỉ mất vài phút.

Hoàng Minh