“Câu hỏi dài lâu và khẩn cấp nhất của cuộc sống, ‘Bạn đang làm gì cho người khác?” – Martin Luther King Jr.

ranh gioi ekip lam phim 0
Đoàn làm phim “Ranh giới” (Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự VTV). (Ảnh: VTV)

Hai mạng người – một nhịp thở

“Ranh giới” là một bộ phim phóng sự chiếu trên chương trình VTV Đặc biệt tối 8/9. Trong thời lượng 50 phút, không lời bình, đoàn làm phim sử dụng hình ảnh, lời nói, âm thanh ghi trực tiếp từ khu K1 Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), tái hiện “ranh giới” giữa sự sống và cái chết, những nỗ lực của các nhân viên y tế để cứu các thai phụ mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

“Không có máy thở, các nhân viên y tế mình thay nhau bóp bóng nguyên đêm. […] sáng hôm sau chuyển viện một ca, thì mới có được máy thở cho cô í thở. Mà nhân lực bên đó đâu có đủ, thuốc, giường… không có gì hết trơn…” – một nữ nhân viên y tế lắc đầu nói trên xe cấp cứu.

“Cái khó xử ở đây là mình phải chạy đua với cả hai mạng sống cùng một lúc” – một bác sĩ gây mê nói.

Lần lượt sự bế tắc của ngành y, trong hoàn cảnh ngặt nghèo của một số sản phụ mắc COVID-19 được tái hiện, như đại diện cho bối cảnh hệ thống y tế, an sinh đã quá tải trong thành phố và trên cả nước.

Những tiếng tiếng thở dốc, những cằn nhằn bức bối giữa quãng ngộp thở, tiếng động viên, tiếng nhấc ống điện thoại và dập máy.

Giọng bác sĩ báo người nhà “phổi chị í rất kém, nuôi chị í đã rất khó khăn rồi, bây giờ có thêm em bé thì khó khăn gấp đôi“, “[…] nghĩa là mình sẽ chấm dứt thai kỳ này […]”. 

Một sản phụ được bác sĩ kết nối với gia đình trước khi được lắp nội khí quản, bên này nấc khan, bên kia tiếng đầu dây bối rối, hoang mang: “Em khỏe chưa? […] Em khỏe chưa em?”.

Gần nửa cuối, là những góc cận cảnh ghi lại hành trình cận tử của một sản phụ đã tím tái, chuyển nặng. Bác sĩ cố nhồi tim để mổ lấy thai. Chị không qua khỏi. Những đôi mắt của các y bác sĩ thất thần… “Không cứu được nó đau lắm […] nó đau từ trong tim”.

Lằn ranh

Như tựa đề của bộ phim – 50 phút xem phim là 50 phút người xem đi trên lằn ranh giữa hy vọng và hoảng loạn, giữa hiện thực và quyền riêng tư, giữa thật và chân, giữa nhân văn hay xem nhẹ…

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát khâm phục và ngợi khen nhóm làm phim đã “dũng cảm, chịu khó, ghi hình một cách chân thực, sống động”, làm nên một bộ phim tài liệu “thành công và xúc động lòng người”. Còn đạo diễn Việt Tú cho rằng đây là “một bộ phim tài liệu xuất sắc” “để chúng ta trân trọng hơn về những gì đang có, để cảm ơn và biết ơn đến các y bác sĩ tuyến đầu”.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho hay “những hình ảnh, những mẩu chuyện đã nói lên tất cả về sự khốc liệt của cuộc chiến này mà không cần bất cứ một lời bình nào cả.”, dù ông băn khoăn đoàn làm phim đã không che mặt bệnh nhân và đã tiết lộ thông tin cá nhân của họ. “Quyền riêng tư của bệnh nhân và gia đình họ cần được tôn trọng”, ông bảo lưu ý kiến giữa nhiều quan điểm bất đồng.

Theo báo Tuổi Trẻ Online, “đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết giải pháp che mặt nhóm làm phim đã nghĩ đến ngay từ đầu. Tuy nhiên, êkip làm phim đã có sự trao đổi cùng các y bác sĩ bệnh viện và nhận được ý kiến của đa số là không cần che mặt bệnh nhân.

Bởi các y bác sĩ ở đây đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đau lòng khi một bệnh nhân COVID-19 qua đời nhưng người nhà không thể vào nhìn mặt lần cuối, chỉ có thể thấy lại khuôn mặt người thân qua những bức ảnh bác sĩ chụp lại giúp. Vì vậy, các y bác sĩ cho rằng quay cận mặt có thể khiến người nhà sẽ khóc, hay ai đó phê bình chuyện quyền riêng tư, nhưng đó có thể là kỷ niệm đẹp cuối cùng về người thân mà họ còn được nhìn lại.”

ranh gioi ekip lam phim
Đoàn làm phim “Ranh giới” (Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự VTV). (Ảnh: VTV)

Mặc dù vậy, như “lằn ranh” mà đoàn làm phim và người chỉ đạo đặt mình vào, nhiều vấn đề từ bộ phim đã và đang được dấy lên, về nguyên tắc y khoa, về đạo đức làm báo, về quyền riêng tư của bệnh nhân, của y bác sĩ có dấu hiệu bị can thiệp hay là dấu hỏi về giá trị tích cực mà bộ phim mang lại.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh cho hay: “Rất nhiều câu hỏi được đặt ra quanh những thước phim”Ranh giới”. Nỗi đau riêng tư của con người, nhất là trong lúc thập tử nhất sinh có nên được công khai hóa hay không? Các sản phụ đang nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết đó có cho phép VTV làm thế hay không? […]

Thêm vào đó, trong lúc các y bác sĩ bận bịu công tác cứu người, các sản phụ bận bịu đấu tranh giành giật sự sống, thì việc quay phim làm phóng sự của nhà đài chỉ làm vướng víu, gây khó khăn và làm mất thời gian của họ mà thôi. Nó không giúp ích gì cho cuộc tranh giành sự sống của cả y bác sĩ lẫn sản phụ.”

Ông cho hay 30 năm trước từng là phóng viên phụ trách y tế một thời gian, từng khoác áo trắng của các y bác sĩ để vào phòng mổ viết phóng sự. Rồi hàng chục năm sau, khi đọc các bài báo nước ngoài, ông mới biết đó là việc làm không được phép. “Khi một người lạ bước vào phòng mổ, bạn đã làm phân tâm ê kíp mổ, gây phiền phức cho họ, chưa kể bạn mang cả thân thể không được khử trùng của bạn vào đó, rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân”, ông viết.

Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm “giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng chia sẻ: “Trong cấp cứu, Sự sống của người bệnh được đặt lên số một, có nhiều việc làm bất quy tắc lắm. Nếu soi kỹ, hành động nào cũng có thể gán ghép có lỗi, có tội. Đó chính là điều mà không ai được phép vào phòng mổ, vào phòng Hồi sức cấp cứu quay phim chụp ảnh. Bí mật của người bệnh, bí mật của của nhân viên y tế được pháp luật bảo vệ. Những người làm phóng sự ấy, họ có biết điều đó hay không!?”.

Từ góc độ luật pháp và nhân sinh, luật sư Luân Lê nêu ý kiến cá nhân: “Cái chết chiếu trên truyền hình, dù với mục đích nhân đạo hoặc tuyên truyền để cảnh tỉnh gì đi chăng nữa, phải đảm bảo được luật pháp và chính hệ quả về mặt nhân đạo của nó.”

Theo ông, nguyên tắc đầu tiên là bệnh viện phải là nơi từ chối trước tiên việc tiếp cận của báo chí, truyền thông, và sau đó chính các bác sĩ có trách nhiệm điều trị, vòng cuối cùng là chính bệnh nhân hoặc thân nhân của họ trước việc có dùng bản thân làm minh họa cho dư luận hay không.

“Nếu người trên màn hình TV là người thân của chính các bạn, họ đang đau đớn giành giật sự sống từng phút và chính thân nhân đang buồn đau khôn tả, bạn nghĩ gì và có cảm thấy ấm lòng khi cả nước nhìn vào tình cảnh đó qua màn hình trong một buổi chiếu công khai? Người ta không cần phải hình dung trực tiếp cái chết đầy thảm khốc bằng sự cận cảnh để lấy đó làm nỗi sợ hãi cho người khác” – ông chia sẻ.

Theo đó, ông cho rằng việc gây ám ảnh về cái chết không có giá trị tích cực cho sự sống. Một bên là quyền riêng tư về điều trị cần được tôn trọng, một bên là sự phản tác dụng khi cái chết của một người được dựng lại, trong phim.

“Người ta quý trọng sự sống chỉ khi người ta sống có mục đích với ý nghĩa trong từng hành động của mình. Chứ không phải cho người ta thấy một cái chết bi thảm và sau đó người ta trân trọng sự sống hơn.” – ông Luân cho hay.

Vĩnh Long

Xem thêm:

Giáo dục vị nhân bản