“Những người bán hàng ăn uống, dịch vụ trước đây mình không cho bán ăn uống tại chỗ, giờ mình cấm luôn bán mang về, nghĩa là họ phải đóng cửa”, Phó Chủ tịch TP.HCM – ông Dương Anh Đức giải đáp câu hỏi về quy định “tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về” của thành phố, tối 8/7. 

ship do an
Một tài xế Grab bike chờ lấy đồ ăn để giao cho khách hàng, TP.HCM, tháng 11/2019. (Ảnh minh họa: Ploy Makkason/Shutterstock)

Cuộc họp báo tối 8/7 diễn ra chỉ vài tiếng trước khi toàn bộ TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 – mức giãn cách cao nhất tính đến hiện tại – kể từ 0h ngày 9/7.

Dù quyết định giãn cách được công bố vào tối 7/7, tới thời điểm diễn ra họp báo, nhiều câu hỏi vẫn liên tiếp được đặt ra, chủ yếu yêu cầu giải thích chi tiết về các lệnh cấm liên quan đến đời sống dân sinh sẽ áp dụng trong vòng 15 ngày tới.

Tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về “nghĩa là họ phải đóng cửa”

Theo ông Đức, trước đây trong Chỉ thị 10 đã cấm ăn uống tại chỗ, còn bây giờ chúng ta cấm luôn ăn uống mang về.

“Những người bán hàng ăn uống, dịch vụ trước đây mình không cho bán ăn uống tại chỗ, giờ mình cấm luôn bán mang về, nghĩa là họ phải đóng cửa”, Phó Chủ tịch TP nói.

Nhiều lần nhắc lại “không có quyết định nào toàn vẹn”, ông Đức cho hay quyết định trên được đưa ra khi “thành phố đã rất cân nhắc”.

Nếu như bạn hỏi thì tôi xin chia sẻ luôn, như cá nhân tôi việc ăn uống cũng rất cần, nếu như có sẽ rất tiện lợi. Tuy nhiên thực tế bạn có thể thấy khi các nơi bán hàng như vậy, khi order nhiều thì shipper đứng xếp hàng đợi, khó đảm bảo giãn cách theo quy định.” – ông Đức nói, lấy ví dụ điểm bán bánh mì dù nhỏ cũng thường có sẵn 2 người, thêm shipper nữa không đảm bảo giãn cách.

Như bản thân tôi, nếu về nhà vội quá không nấu được thì sẽ lấy một gói mì ăn liền ra ăn. Thực tế trong thời gian gần đây ăn mì ăn liền cũng hơi bị nhiều, đủ loại nào mì, miến, phở, mì khô, mì nước. Ở đây mỗi người hy sinh một chút, trong 2 tuần này để cố gắng quay lại bình thường. […]

Không có một quyết định nào toàn vẹn, như bản thân tôi cũng cần nhưng thực tế mỗi người phải hy sinh một chút, việc bán đồ ăn có nhiều shipper đến xếp hàng mua đồ mà đứng đông như vậy thì khó để giãn cách xã hội. Thành phố mong mỏi sự chia sẻ, mỗi loại hình dừng đều có sự cân nhắc, đắn đo…, nhưng thực tế đến bây giờ cần phải có biện pháp quyết liệt, cần sự đồng cảm, chia sẻ của bà con cô bác”, ông Đức lặp lại.

Mặc dù vậy, ông Đức cho hay việc chở hàng, shipper giao hàng bằng xe 2 bánh, xe tải, ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động.

Phát cơm từ thiện: Không cấm nhưng không được quá 2 người

Trước câu hỏi về việc phát cơm từ thiện cho người khó khăn, ông Đức cho hay “TP sẽ cố gắng tạo điều kiện trong các hoạt động từ thiện vì đây là hoạt động hết sức nhân văn, để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn…”. Nếu việc phát cơm từ thiện đảm bảo giãn cách – tức không tụ tập quá 2 người – thì vẫn được tổ chức.

“Các hoạt động phát cơm từ thiện, hỗ trợ người khó khăn nếu tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo quy định không tụ tập quá 2 người thì vẫn được duy trì. Cái mục đích lớn nhất ở thời gian này là giãn cách, có nhiều điều kiện ràng buộc trong thời gian này, thành phố không cấm việc phát cơm từ thiện nhưng phải đảm bảo giãn cách”, ông Đức nói.

Với câu hỏi: Các cửa hàng tạp hóa có được bán không? – ông Đức trả lời: Tạp hóa có nhiều loại, nếu bán những mặt hàng thiết yếu thì được, như bán thuốc men, lương thực thực phẩm thì được, nhưng nếu bán nồi, niêu, xoong chảo thì không được.

Đáng lưu ý, ông Đức nhấn mạnh: người dân chỉ được ra đường để giải quyết các nhu cầu thiết yếu, nếu không lý giải được mục đích đi lại thì không được phép. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 117/2020.

Theo Điều 12, Nghị định 117/2020, hành vi không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2m nơi công cộng bị phạt từ 1-3 triệu đồng.

Người ra đường không có lý do chính đáng cũng sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng, theo điểm a, khoản 1: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.

Mức xử phạt 10-20 triệu đồng sẽ áp dụng đối với mỗi hành vi sau: tập trung quá 2 người ở nơi công cộng; không tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, thể hiện tại điểm c, khoản 3.

Theo văn bản hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TP.HCM từ 0h ngày 9/7, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoặc các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ).

Những người được ra khỏi nhà để đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở trong danh sách quy định phải thực hiện đúng 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế).

Giới chức TP thông báo các các đội tuần tra, giám sát sẽ hoạt động 24/24h, xử lý các trường hợp vi phạm. Công an TP.HCM tổ chức lại 12 chốt kiểm soát, mỗi chốt có 7 lực lượng, trong đó có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an phường, cảnh sát quân sự…

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, dừng bán vé số