Tại buổi làm với Bộ GTVT ngày 27/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ này “khẩn trương hoàn thành” các công đoạn còn lại của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, bàn giao cho TP. Hà Nội trước ngày 10/11 để đưa vào khai thác, sử dụng.

du an duong sat do thi tp ha noi
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Trần Tâm)

Tuyến Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án đã ký 3 hiệp định với tổng vốn vay gần 670 triệu USD, gồm hiệp định số 1 (ngày 22/10/2008) vay 1,2 tỷ NDT, tương đương 169 triệu USD. Hiệp định vay số 2 năm 2009, là 250 triệu USD và hiệp định vay số 3 vào năm 2017 với số tiền 250,62 triệu USD.

Đến tháng 10, dự án đã giải ngân 84,2%, với 731,25 triệu USD. Trong số này vốn nước ngoài giải ngân được hơn 618 triệu USD (92,3%) và trong nước 149,14 triệu USD (75,2%).

Số tiền còn lại chưa giải ngân cho tổng thầu hơn 89,9 triệu USD, đã gồm 31,69 triệu USD chi phí 5% giữ lại.

Mới đây, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết dự án hiện vẫn còn vướng mắc, chủ yếu của là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm bàn giao cho TP. Hà Nội nên đến kỳ trả gốc khoản vay, Bộ Tài chính đã phải ứng quỹ tích lũy để trả nợ trước.

“Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng”, báo cáo nêu.

Kim Long

Xem thêm:

Việt Nam: 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn gần 84.000 tỷ đồng, chưa hẹn ngày vận hành thương mại