Hội đồng Quy hoạch quốc gia hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, đất, vùng được quyết định hoặc phê duyệt.

pho tt trinh dinh dung tro thanh chu tich hoi dong quy hoach quoc gia
Hà Nội nhìn từ trên cao, khu vực the Manor, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: Hoang Ks/vnphoto.net)

Ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Hội đồng Quy hoạch quốc gia. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại Luật Quy hoạch liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Hội đồng sẽ chỉ đạo quá trình tổ chức lập các quy hoạch nói trên, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền.

Theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ làm Chủ tịch Hội đồng. Phó chủ tịch Hội đồng là các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng.

Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực giữ vai trò chủ đầu tư dự án lập Quy hoạch tổng thể quốc gia vàQuy hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư dự án lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể khi các quy hoạch trên được quyết định hoặc phê duyệt.

Về quy chế hoạt động, sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định ban hành. Kinh phí hoạt động của Hội đồng lấy từ dự toán chi quản lý hành chính của ngân sách nhà nước. 

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào ngày 24/11/2017, với 88,19% số phiếu ủng hộ (433/455 đại biểu tham gia biểu quyết). 19 đại biểu không tán thành, 3 đại biểu không tham gia biểu quyết.

Luật gồm 6 Chương, 59 Điều, quy định về việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Nguyễn Quân

Xem thêm: