383/426 đại biểu tán thành chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (chiếm 79,13% tổng số đại biểu Quốc hội).

xam hai tre em
Trẻ em cần được bảo vệ khỏi bị xâm hại thân thể, xâm hại tâm lý, xâm hại tình dục. “Có 1,75 triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải lao động rẻ mạt. Trẻ em còn bị buôn bán người, trong và ngoài nước…”. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Sáng ngày 3/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung) và Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đồng tình lựa chọn chuyên đề thứ nhất, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng hành vi bạo lực trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi hiếp dâm trẻ nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh, xâm hại tình dục trẻ em nam tính, loạn luân…

Dẫn số liệu báo cáo thống kê của Thư viện Quốc hội, đại biểu Thu Phương cho hay trong 2 năm 2017-2018 và quý 1/2019, toàn quốc đã xảy ra 3.499 vụ xâm hại trẻ em, với 3.546 trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trên 60% trẻ em bị xâm hại tình dục. Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Do đó, những con số được nêu ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, con số này còn rất lớn vì gia đình và nạn nhân không tố giác, vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến trẻ em trong gia đình.

Đáng chú ý, hơn 21,3% trẻ em bị xâm hại bởi người thân trong gia đình, gần 60% bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất 1 hình phạt về thể chất và tâm lý bởi người thân trong gia đình, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) cho hay trẻ em – đang chiếm 1/4 dân số- có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức mà không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, lao động quá thời gian, hoặc công việc nặng nhọc, độc hại.

“Có 1,75 triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải lao động rẻ mạt, thời gian làm việc bị ép làm việc từ 11-12 tiếng, thậm chí 16 tiếng/ngày. Trẻ em còn bị buôn bán người, trong và ngoài nước. Nhiều trẻ em bị bỏ rơi vô thừa nhận”, đại biểu của tỉnh Kom Tum nói.

Về trách nhiệm truyền thông, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho hay Luật Báo chí đã được ban hành 9 năm, có những hoạt động tích cực, tuy nhiên trên thực tế, vẫn có trường hợp và không ít nơi ngăn cản, né tránh sự điều tra của báo chí. Ngoài ra, vẫn tồn tại hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; có trường hợp gỡ bài không rõ lý do.

Góp ý về cách thức giám sát, đại biểu Vân cho hay phương pháp giám sát dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế. “Chúng ta về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn để so sánh báo cáo với thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao“, ông Vân cho hay.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng có đoàn giám sát đi rất đông, đến hơn 10 xe ô tô, còi ủ, mà cách thức tiến hành thì chưa tương xứng với tính chất của giám sát tối cao.

Sau thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 năm 2020. Kết quả, có 383/426 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) biểu quyết tán thành chọn chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nguyễn Quân

Xem thêm: