Lên mạng làm giả giấy đăng ký xe, lại chi thêm 200.000 đồng thuê một phụ nữ đóng giả chủ xe, nam thanh niên tại Hà Nội bán trót lọt xe ô tô thuê tự lái, lấy gần 200 triệu đồng.

thieu tien tra no thanh nien thue o to roi thue nguoi gia chu xe de dem ban
Dịch vụ cho thuê xe phát triển, thủ tục nhanh gọn nhưng cũng là lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng, chủ xe cần cẩn trọng khi cho thuê xe. (Ảnh minh họa: Chụp màn hình/Facebook).

Ngày 12/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Cao Hồng Phong (SN 2000, ngụ huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 174 và Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo hồ sơ vụ án, do nợ nần không có tiền trả nên bị cáo Phong nảy sinh ý định thuê xe ô tô tự lái rồi bán, lấy tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân. Để thực hiện âm mưu, Phong lên mạng internet, tham gia vào nhóm cho thuê xe ô tô tự lái.

Tại nhóm này, Phong thấy anh Quách Hoàng Th. (quê Hòa Bình) đăng tin cho thuê ô tô tự lái nhãn hiệu Huyndai Grand i10 nên đã liên hệ để thuê xe.

Hai bên hẹn gặp nhau tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) để làm thủ tục cho thuê xe.

Khi gặp mặt, anh Th. và Phong thỏa thuận cho thuê ô tô trong thời gian 1 tháng, giá thuê là 12,5 triệu đồng/tháng. Hai bên lập hợp đồng cho thuê ô tô tự lái, Phong ký tên vào hợp đồng, đặt cọc 10 triệu đồng, đồng thời, thanh toán trước 1 tháng tiền thuê xe.

Nhận tiền, anh Th. giao xe cho Phong kèm 1 bản photo Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, 1 sổ kiểm định, hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới cho Phong để tham gia giao thông.

Phong nhận xe rồi lên mạng xã hội thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô với giá 2,5 triệu đồng. Khi có được giấy tờ giả, ngày 29/4/2021, Phong mang ô tô đến cửa hàng mua bán xe ô tô, xe máy ở Nam Định để cầm cố.

Chủ cửa hàng nói phải chính chủ xe anh mới nhận cầm đồ. Do đó, Phong đi ra quán nước gần đó, thuê một người phụ nữ (không rõ danh tính) nhận là chủ xe giúp mình với giá 200.000 đồng.

Sau đó, Phong quay lại cửa hàng cầm đồ. Lúc này, chủ cửa hàng nói không đủ tiền để nhận cầm cố, Phong liền nói muốn bán xe. Thông qua chủ cửa hàng, anh Lê Minh T. đồng ý mua xe sau khi kiểm tra xe và giấy tờ. Hai bên thỏa thuận giá bán là 200 triệu đồng.

Lúc này, Phong sử dụng tài khoản zalo gọi cho người phụ nữ đã thuê đóng giả trước đó để nói chuyện. Qua video call, người phụ nữ kia tự nhận mình là chủ xe, đồng ý bán xe cho anh T..

Anh T. đồng ý mua xe, chuyển trước cho Phong số tiền 182 triệu đồng, hẹn khi nào giấy tờ đầy đủ và xong các thủ tục sẽ chuyển nốt số còn lại.

Về phía chủ xe, thấy quá thời hạn cho thuê xe theo hợp đồng nên đã gọi điện cho Phong, yêu cầu Phong giao xe song bất thành. Kiểm tra định vị, chủ xe phát hiện xe của mình đang ở Thanh Trì nên đến kiểm tra. Tại đây, anh này rất bất ngờ khi biết Phong bán xe của mình cho anh T..

Trong vụ án này, tòa án xác định bị hại là anh Quách Hoàng Th. (chủ xe), còn anh Lê Minh T. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Với hành vi nêu trên, bị cáo Phong bị TAND huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) tuyên phạt 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 1 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng cộng, bị cáo Phong bị phạt 10 năm tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, xem xét giá trị tài sản bị thiệt hại, TAND TP. Hà Nội quyết định giảm cho bị cáo 1 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phong còn phải chấp hành án phạt 9 năm tù.

Khánh Vy