Công trình “Tượng đài Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” có mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

tượng đài Hồ Chí Minh, Quảng Bình
Tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng Bình. (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Truyền thông nhà nước vừa đưa tin Quảng Bình tổ chức lễ khánh thành “Tượng đài Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”.

Công trình này có tổng mức đầu tư 78,8 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, theo báo Người lao động.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam.

Tượng đài gồm 7 nhân vật, được làm từ chất liệu hợp kim đồng, dày 2,5cm, bệ tượng cao 3m. Tượng Hồ Chí Minh cao nhất, là 5,4m; các nhân vật còn lại cao từ 3,2-5,31m, toàn bộ nhóm tượng được đặt trên bệ tượng bằng đá cao 3m.

Sau lưng cụm tượng là biểu trưng cánh buồm, làm bằng chất liệu đá xanh cao 20m, lõi kết cấu bê tông cốt thép. Hai bên tượng là 2 mảng phù điêu có kích thước tại vị trí cao nhất là 7,2m và vị trí dài nhất là 23m; bệ phù điêu cao 1,8m; đế phù điêu có kích thước cao 0,7m, dài 28m, rộng 3,1m. Bề mặt phù điêu, đế và bệ phù điêu được ốp bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa ghép khối, bên trong là hệ khung bê tông cốt thép, theo báo Quảng Bình.

Cũng theo báo chí trong nước thì việc xây tượng đài này nhằm thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, người dân tỉnh Quảng Bình với ông Hồ và được cho là là nơi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Quảng Bình hiện là một trong những tỉnh nghèo của khu vực miền Trung. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 6,9%. Đầu năm 2020, tỉnh này có 12,393 hộ gia đình nghèo (chiếm tỷ lệ 4.98%) và 16,613 hộ gia đình cận nghèo (chiếm 6.67%).

Quảng Bình nhiều năm nhận gạo hỗ trợ cứu đói trong thời gian giáp hạt. Năm 2016 nhận hơn 1,999 tấn; năm 2017 nhận gần 790 tấn; năm 2018 nhận 1,368 tấn; năm 2020 nhận 855,99 tấn.

Quảng Bình cũng là một trong những tỉnh ven biển miền Trung, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Trong những năm qua, do ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh đã bị thiệt hại rất lớn về kinh tế, tài sản và con người. Qua số liệu các năm từ 2012 – 2019, tỉnh có 56 người chết, 12 người mất tích, 578 người bị thương.

Riêng năm 2019, thiên tai, bão lũ đã khiến 4 người chết, 29 người bị thương, hơn 11.000 nhà dân bị ngập lụt, 256 điểm trường học phải hoãn tổ chức lễ khai giảng năm học mới, gần 1.500 ha lúa, hoa màu và cây trồng bị hư hại. Tổng thiệt hại hơn 400 tỷ đồng.

Nói thêm, Quảng Bình cũng là một trong những tỉnh có nhiều tượng đài, như: “Đề án xây dựng Tượng đài và Vườn hoa Đại tướng Võ nguyên Giáp”, đã được phê duyệt với tổng vốn 65 tỷ đồng, xây diện tích 2,3 ha; “Tượng đài chiến thắng sông Gianh”, kinh phí 98 tỷ đồng; “Tượng đài Thanh niên Xung phong Xuân Sơn”, kinh phí 7 tỷ đồng; “Tượng đài Mẹ Suốt”, kinh phí tới hơn 411 tỷ đồng, diện tích 15ha;… và còn nữa.

tuong dai quang binh map
Quảng Bình là tỉnh có nhiều tượng đài. (Ảnh: google-maps)

Hồi năm 2015, báo trong nước liên tục đưa tin về dự thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030”.

Hệ thống tượng đài Hồ Chí Minh được ưu tiên xây dựng đến năm 2030 tại 14 địa phương: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Những nguồn vốn có thể huy động xây dựng tượng đài bao gồm ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương; vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội; các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ và người dân đóng góp, theo báo Zing.

Báo VNExpress trong một bài viết có tiết lộ, tính đến năm 2015, cả nước đã có 101 tượng đài Hồ Chí Minh trong khuôn viên, trụ sở cơ quan và 31 tượng đài ở trung tâm hành chính, chính trị.

Năm 2015, tỉnh Sơn La cũng đã lập và thông qua đề án xây dựng công trình tượng đài Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Dự án này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ người dân và các chuyên gia.

Hoàng Minh