Giới chức tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp 3.636 ha rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 ha để có quỹ đất xây dựng.

dat ven bien phia dong quang nam
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp 3.636 ha rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 ha để có quỹ đất xây dựng. (Ảnh: vov.vn)

Giải thích về đề xuất trên trong buổi làm việc chiều 27/3 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lê Trí Thanh, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho hay việc sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển là để kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai.

Theo ông Thanh, rừng phòng hộ ven biển phía Đông tỉnh Quảng Nam có diện tích 3.636 ha, trong đó diện tích có rừng 2.875 ha (761 ha còn lại là đất trống, ngập nước theo mùa).

Tại khu vực này, đa số cây được trồng từ những năm 90 (không phải rừng tự nhiên) khi đây là đất cát, không có hạ tầng, thuộc các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, hầu như là cây keo, phi lao còi cọc.

Năm 2020 bị ngã đổ do thiên tai 292 ha nên diện tích có rừng trên thực tế là 2.583 ha.

“Nay hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai”, ông Thanh nói.

Do đó, ông Thanh kiến nghị Thủ tướng “thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển từ 3.636 ha xuống còn 2.000 ha” trên cơ sở phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này.

Giới chức Quảng Nam cũng đề nghị sắp xếp lại trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại Quyết định số 1737 ngày 13/122018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai theo dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư; trồng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công tư. Việc này sẽ thông qua giao khoán cho doanh nghiệp đang triển khai dự án.

Trước đề xuất trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc giảm diện tích rừng cần phải xem xét. Thủ tướng giao cho Bộ trưởng TN&MT rà soát đánh giá cụ thể và phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT cho ý kiến.

Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh có 13 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động, trong đó 10 khu công nghiệp thuộc khu kinh tế mở Chu Lai và 3 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế mở Chu Lai.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng 2 khu công nghiệp (Tam Thăng mở rộng và Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng) với tổng diện tích 363 ha.

Ban Quản lý cũng đang thực hiện lập đề xuất dự án 3 khu công nghiệp mới, gồm khu công nghiệp Nam Thăng Bình (499,43 ha), khu công nghiệp Bắc Thăng Bình (239 ha) và khu công nghiệp Phú Xuân (108 ha).

Đến nay, có 223 dự án đầu tư thứ cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/chấp thuận đầu tư tại các khu công nghiệp; tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 75.545 tỷ đồng (tương đương 3,615 tỷ USD) với 150 dự án trong nước và 73 dự án nước ngoài.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết phát triển công nghiệp là định hướng lớn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000 ha cụm công nghiệp và khu công nghiệp.

Ông Bửu cho hay hiện nay việc triển khai, phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, như vướng các thủ tục hành chính, giải phóng đền bù, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đủ khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp…

Những năm gần đây, tại một số địa phương, nhất là tại huyện Bắc Trà My, Nam Trà My… tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra, nhiều nơi trở thành điểm nóng nhưng chủ rừng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa có giải pháp để ngăn chặn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và gây bức xúc trong xã hội…

Hoàng Minh