Phố đi bộ trên đảo Lý Sơn dài hơn 3 km – Con đường dọc bờ biển được dự tính sẽ phối cây xanh, trang trí đèn và nhiều trung tâm mua sắm, trưng bày đặc sản, dịch vụ ẩm thực…

pho di bo tren dao ly son
Tuyến đường cơ động ven biển huyện đảo Lý Sơn là nơi dự kiến hình thành phố đi bộ. (Ảnh: daolyson.info)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa đồng ý cho huyện đảo Lý Sơn lập dự án nâng cấp đường cơ động ven biển theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Con đường dài 3 km, từ cầu vượt neo đậu tàu thuyền thôn Tây, xã An Vĩnh đến khách sạn Mường Thanh. Ngoài lối đi bộ, cảnh quan được phối cây xanh, trang trí đèn lộng lẫy vào ban đêm, xung quanh có nhiều trung tâm thương mại và trưng bày đặc sản, dịch vụ ẩm thực đặc trưng, di sản văn hoá phi vật thể…

Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện đảo Lý Sơn cho biết việc mở phố đi bộ sẽ thực hiện sau khi nâng cấp tuyến đường. Con phố đi bộ sẽ gắn với sản phẩm du lịch, dịch vụ biển đảo, gắn với văn hóa phi vật thể, tạo không gian ẩm thực, vui chơi, giải trí về đêm. Đây được coi là cách thu hút khách đến Lý Sơn tham quan nhiều hơn, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.

pho di bo tren dao ly son
Tuyến đường cơ động ven biển, nơi dự kiến hình thành phố đi bộ trên đảo Lý Sơn, sẽ kéo dài từ cầu cảng (thôn Tây) đến KS Mường Thanh. (Hình ảnh: Google Maps)

Giữa tháng 10/2016, tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, mục tiêu là đạt 1,1 triệu lượt khách, trong đó 80 nghìn lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú bình quân của du khách đạt từ 3 ngày trở lên. Tổng doanh thu đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Lý Sơn là điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2015, Lý Sơn đón hơn 95.000 lượt khách, năm 2016 tăng đột biến, đón 150.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

Với địa chất, địa hình và cảnh quan được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm, Lý Sơn được ví như đảo Jeju của Hàn Quốc. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đặc trưng như chùa Hang, chùa Đục, cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới, nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, nét đẹp hoang sơ ở đảo Bé… Chợ đêm Lý Sơn (xã An Vĩnh) chuyên về ẩm thực thủy hải sản.

pho di bo tren dao ly son
Một góc đảo Lý Sơn. (Ảnh dẫn qua mytour.vn)

Tuy nhiên, hiện Lý Sơn đang thay đổi nhanh chóng. Cả hòn đảo rộng chỉ chừng 10km2, nhưng theo ước tính hồi đầu năm 2016 của anh Đặng Kim Đồng (phòng Văn hóa huyện Lý Sơn), có khoảng 8 khách sạn tại đảo Lý Sơn đã đăng ký đưa vào hoạt động mới. Ngoài ra, còn rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ khác đang xây dựng. 29 nhà nghỉ homestay đã đủ tiêu chuẩn để cấp bảng hiệu.

TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam từng nói rằng Lý Sơn đã mất đi 3 cái cốt lõi: mất toàn bộ dãy san hô ở bãi bằng phục vụ cho việc trồng tỏi; mất quá nhiều rừng, trên đảo này hiện chỉ có 19,6% diện tích được phủ xanh; mất toàn bộ nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo, mất đi những đặc sản mà ngày xưa chỉ có vùng này có để tiến vua.

Lý Sơn cũng đang đối mặt với ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng. Dân số trên 20.000 người và lượng khách du lịch mỗi năm tăng cao khiến huyện đảo Lý Sơn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Khi không có bãi xử lý rác thải, ước tính mỗi ngày có đến hàng chục tấn rác bị ném xuống biển. Một nhà máy xử lý chất thải rắn với thiết kế ban đầu là tiêu hủy 15 tấn rác/ngày vừa đưa vào vận hành. Thế nhưng, hiện nhà máy xử lý rác này chỉ tiêu hủy được 1,5-2 tấn/ngày.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: