Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra để làm rõ đúng, sai trong quá trình đầu xây dựng nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh.

nhà máy rác Sa huỳnh
Người dân treo băng rôn, mang quan tài,… phản đối nhà máy rác Sa Huỳnh. (Ảnh: FB)

Ngày 28/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết Tỉnh ủy đã có kết luận liên quan đến việc xử lý rác thải tại nhà máy rác Sa Huỳnh ở thôn La Vân (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ).

Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra làm rõ đúng, sai trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác trên; kết luận, kiến nghị xử lý rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trước mắt, nhà máy cần tập trung xử lý tất cả bãi rác cũ 22.500 m3 và rác thải sinh hoạt hàng ngày ở ba xã như trước đây (Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu) để bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân. Sau khi có kết quả thanh tra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ có buổi tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi biện pháp giải quyết cụ thể với người dân xã Phổ Thạnh.

Trước đó, sáng ngày 29/7, có khoảng 300 người dân thuộc các thôn La Vân, Thạch By 1, Thạch By 2 (xã Phổ Thạnh) tập trung chặn lối vào nhà máy rác thải Sa Huỳnh.

Sau đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phải đối thoại với người dân. Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của người dân đều tập trung phản đối việc hoạt động của nhà máy này. Người dân cho hay nhà máy đặt ở đầu nguồn nước, quá gần khu dân cư, khi xây dựng không lấy ý kiến người dân. Trước đây, bãi cũ chỉ chứa rác của xã Phổ Thạnh nhưng sau đó huyện cho chở rác từ xã khác về xử lý. Vì vậy, người dân yêu cầu di dời nhà máy.

Một người dân cho biết theo công bố khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư là 513m, nhưng thực tế người dân đo được chỉ dưới 400m.

Khi xây dựng nhà máy thì có văn bản đánh giá tác động môi trường,… nhưng nếu sản xuất đúng quy trình thì đã không có những vụ xả thải như Formosa, Vedan. Người dân cảm nhận bằng giác quan, mùi hôi, nước bẩn nên họ phản ánh chứ không tin vào những chỉ số, quy trình,..” – người dân này nói.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Căng thừa nhận huyện đã làm hơi tắt khi xây dựng nhà máy, khi lấy ý kiến từ mặt trận, đoàn thể là chính chứ không phải từ người dân chịu ảnh hưởng. “Tôi thay mặt lãnh đạo huyện Đức Phổ thời điểm đó và của tỉnh xin lỗi người dân” – ông Căng nói.

Tuy nhiên, ông Căng cũng khẳng định quá trình chọn, xây dựng và hoạt động xử lý của nhà máy Sa Huỳnh đúng quy định; công suất đảm bảo xử lý rác thải cho toàn huyện. Do vậy, người dân kiến nghị dời nhà máy hoặc xã nào xử lý rác thải theo xã đó là không đúng và không chấp nhận được.

Trước mắt, ông Căng yêu cầu chủ đầu tư phải xử lý nước thải, xử lý lượng nước rỉ ra từ bãi rác cũ. Tỉnh, huyện sẽ bố trí ngân sách để xây kè, khoanh bãi rác cũ lại để không cho nước thải chảy đi nơi khác. Nhà đầu tư phải tiến hành xử lý xác, cam kết bảo vệ môi trường dưới sự giám sát của người dân và cả lực lượng công an.

Kim Long

Xem thêm: