Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam được xây tại khu kinh tế Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) với diện tích 32,6 ha, tổng vốn 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD).

pin mat troi
(Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Giới chức Quảng Ninh vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (công nghệ sản xuất điện pin năng lượng mặt trời) cho Công ty Jinko Solar Hong Kong.

Dự án có tổng vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6 ha.

Dự kiến, dự án sẽ động thổ vào giữa đến cuối tháng 4 và chính thức đi vào sản xuất vào cuối tháng 10 năm nay.

Siêu dự án này được xây dựng tại khu kinh tế Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Đây là dự án đầu tư đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

“Đáng chú ý, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 6 ngày (sớm hơn 12 ngày so với quy định thủ tục hành chính) và được cho ý kiến chấp thuận chỉ trong 1 ngày”, báo chí Việt Nam loan tin.

Được biết, Jinko Solar Hong Kong là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn trên thế giới. Năm 2019, doanh nghiệp này xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu.

Để tiếp tục mở rộng diện sản xuất, đoàn khảo sát của doanh nghiệp này đã đến Việt Nam 2 lần để khảo sát tổng cộng hơn 20 tỉnh thành, hơn 30 khu công nghiệp ở Việt Nam và quyết định lựa chọn khu công nghiệp Sông Khoai để đầu tư sau khi phân tích và so sánh với nhiều khu công nghiệp khác.

Việt Nam: Điện gió sẽ bị cắt giảm công suất ở mức cao vì thừa điện

Việt Nam phát triển mạnh điện mặt trời nhưng “bỏ quên” phát triển bền vững môi trường

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, mục tiêu điện mặt trời đạt 850 MW vào năm 2020. Thế nhưng thực tế, đến giữa năm 2020, tổng công suất được quy hoạch đã lên đến 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW – vượt gấp 6 lần so với kế hoạch.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Năng Lượng (Bộ Công thương Việt Nam) cho biết, trong các tấm pin quang điện có chứa một số chất kim loại nặng tuy chỉ 3-5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than.

“Với số lượng các dự án điện mặt trời cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 – 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Lâm lo ngại.

GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, nhận xét thực tế, với tuổi thọ một dự án điện mặt trời đến 20 – 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn “mỏng” hay nói đúng hơn là chưa có.

Bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên.

“Trong thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút đầu tư mà “bỏ quên” chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn”, ông Long nói.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có tới 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng. Mỗi năm, toàn cầu sẽ thải ra khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử có nguồn gốc từ loại pin này.

Mặc dù 6 triệu tấn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số rác thải điện tử nhân loại thải ra mỗi năm, song điều đáng nói là các phương pháp tái chế rác thải điện tử hiện nay lại không giúp giải quyết hiệu quả rác từ pin mặt trời.

Trước đó, hồi năm 2020, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh rằng: “Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này, pin đó để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao? Bởi vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?”.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Tuấn Anh cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ.

Kim Long