Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ giới chức y tế Quảng Trị cho biết tỉnh này đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh Whitmore, thường được gọi bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”.

bệnh Whitmore, Quảng Trị
Một bệnh nhân đang điều trị bệnh Whitmore. (Ảnh: tinhuyquangtri.vn)

Bệnh nhân tử vong đầu tiên là ông N.V.B (51 tuổi, ở quận Hải An, TP. Hải Phòng). Ông B. là 1 trong số các thuyền viên mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị từ ngày 8 – 11/10. Bệnh nhân được xét nghiệm máu, chẩn đoán mắc bệnh Whitmore vào ngày 14/10.

Ba bệnh nhân còn lại đều ở Quảng Trị gồm: Bệnh nhân H.V.V. (75 tuổi, ở huyện Hướng Hóa), N.T.L (62 tuổi, ở huyện Cam Lộ) và H.C.D (47 tuổi, huyện Hải Lăng).

Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết tính từ ngày 2/2 đến nay, riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 30 ca bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”.

Số ca bệnh được phát hiện tăng đột biến kể từ ngày 14/10 – sau đợt mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị, với 24 người mắc.

Theo giới chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, mỗi năm bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”, trong đó chỉ khoảng 1/10 số bệnh nhân bị tử vong. Riêng năm nay, sau đợt mưa lũ trong tháng 10, số bệnh nhân tăng đột biến.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế cảnh báo về số ca nhập viện điều trị bệnh Whitmore tăng đột biến từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, với gần 30 ca.

Trong đó, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 50% bệnh nhân quê ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, số bệnh nhân tăng nhanh là do bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung. Nhiều người nhập viện ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… Quá trình điều trị do đó khó khăn, chi phí điều trị cao song kết quả không khả quan.

Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên.

Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei được tìm thấy trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp. Vi khuẩn này có thể được dùng như một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học.

Vi khuẩn gây Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua vết thương. Người bệnh cũng có thể do hít phải bụi, hơi nước nhiễm khuẩn hoặc uống nước nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Tại chỗ xâm nhập, khuẩn này tạo thành các mụn mủ to nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn.

Người sức đề kháng kém như bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, tiểu đường, bệnh thận, người nghiện rượu, nghiện ma túy… vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng. Vi khuẩn theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, lách, phổi, dẫn đến các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, bệnh nhân có thể tử vong.

Minh Long