460/465 đại biểu Quốc hội đồng ý dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

ho chi minh city shutterstock wptg
Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. (Ảnh: Shutterstock)

Chiều ngày 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết quy định các chính sách về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước, quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Cụ thể:

Về công tác quản lý đất đai, HĐND TP.HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về quản lý đầu tư, HĐND TP.HCM được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của luật Đầu tư công.

Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, HĐND TP.HCM đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên khu vực thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

TP.HCM cũng được quyết định áp dụng trên khu vực phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nêu trên so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết.

Nghị quyết tăng mức dư nợ vay của thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp (hiện là 70%). Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho thành phố có thêm dư địa được vay, và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.

Với mức tăng trên, theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của thành phố khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương với khoảng 0,3% GDP so với quy định hiện hành.

Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất do các cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn; khoản này dùng để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập; ngân sách trung ương không bổ sung cho thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý, HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố quy định. UBND TP được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn để phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.

Chính phủ sẽ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

Văn Duy

Xem thêm: