Nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng hơn 44ha với khoảng 74.000 mộ phần đang trong giai đoạn di dời, giải phóng mặt bằng cho dự án xây khu dân cư tại quận Bình Tân, TP.HCM với các khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh.

nghia trang
Khu nghĩa trang lớn nhất thành phố nhìn từ trên cao. (Hình ảnh: Googe Maps)

UBND TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 7 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân. Các khu dân cư này đều được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang và xen cài xây dựng mới, khu công trình dịch vụ công cộng và khu công viên cây xanh.

7 khu dân cư sẽ nằm trên địa bàn quận Bình Tân gồm:

  • Khu dân cư phía Nam Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 172ha.
  • Khu dân cư Ngã ba An Lạc, thuộc một phần phường An Lạc, phường An Lạc A, phường Bình Trị Đông B và một số khu dân cư phường Tân Tạo A, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 293ha.
  • Khu dân cư phía Tây Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 438ha.
  • Khu dân cư phía Bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 273ha.
  • Khu dân cư phía Bắc đường Tân Kỳ – Tân Qúy, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 380ha.
  • Khu dân cư phía Đông đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân: tổng diện tích khoảng 296ha.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân, trên trục hai con đường chính là đường Tân Kỳ – Tân Quý và đường Bình Long. Với quy hoạch này, nghĩa trang sẽ trở thành một trong bảy khu dân cư tại quận Bình Tân đã được duyệt quy hoạch trở thành khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh.

nghia trang
Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa. (Ảnh: dẫn qua mapio.net)

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa được hình thành từ trước năm 1975, là nghĩa trang chính và lớn nhất của TP.HCM, có quy mô hơn 44 ha với khoảng 74.000 ngôi mộ.

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa được thực hiện theo công văn số 4894-CV/VPTU ngày 13/8/2010 của Thành ủy TP.HCM và công văn số 4119/UBND- ĐTMT ngày 23/8/2010 của UBND TP.HCM.

Theo nội dung văn bản, số lượng mộ phải di dời khoảng 75.000 mộ; diện tích đất ảnh hưởng là 44,4699ha, trong đó diện tích đất cần thu hồi là 40,6969ha (đã trừ phần đất của chùa Di Lạc có diện tích 0,7958 ha, chùa Trấn Quốc Giác Hải có diện tích 2,9772 ha). Trong đó, diện tích đất thuộc phường Bình Hưng Hòa: 10,5096 ha, diện tích đất thuộc phường Bình Hưng Hòa A: 30,1873 ha.

Tổng chi phí đền bù dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí xây dựng tháp lưu tro cốt).

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 – thu hồi 12ha, tổng số mộ phải di dời là 16.479 ngôi mộ, giải tỏa toàn bộ 25 hộ dân. Tổng dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ đã duyệt là hơn 784 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Trong 12 ha đất thu hồi, 10ha đất để TP đấu giá xây dựng khu phức hợp, trung tâm thương mại, nhà ở (trên đường Tân Kỳ-Tân Quý và hương lộ 3, phường Bình Hưng Hòa), 2ha xây dựng tháp lưu tro cốt (trên đường Bình Long, thuộc phường Bình Hưng Hòa A).

nghia trang
Khu nghĩa trang bên đường Bình Long. (Ảnh: dẫn qua mapio.net)

Dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 12/2017. Quận Bình Tân vừa lùi hạn đăng ký bốc mộ từ ngày 30/4/2017 đến hết tháng 10/2017. Sau thời hạn này, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận sẽ tổ chức bốc mộ tập trung. Đối với những ngôi mộ được bốc vắng chủ, thân nhân chỉ được nhận hũ cốt của người thân chứ không được hưởng các chính sách bồi thường có liên quan. Tro cốt không có thân nhân sẽ được lưu lại Nhà tang lễ quận Gò Vấp hoặc Chùa Di Lặc (gần nghĩa trang).

Giai đoạn 2 – thu hồi 11,54ha, tổng số mộ phải di dời là 22.000 ngôi mộ.

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết đơn vị đã bắt đầu nhận kê khai và đăng ký lịch bốc mộ giai đoạn 2 của dự án di dời. Dự kiến bắt đầu cải táng mộ trong mùa khô 2017, từ ngày 1/11/2017 đến ngày 30/4/2018.

Dự án  di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2010. Theo kế hoạch ban đầu, việc di dời nghĩa trang sẽ thực hiện bằng hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Nhưng 6 năm sau, dự án vẫn không tìm được nhà đầu tư. Đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng gánh nặng 2.000 tỷ đồng chi phí di dời đối với các nhà đầu tư là quá lớn nên quận đã chuyển từ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sang đấu giá quyền sử dụng đất.

Vĩnh Long

Xem thêm: