Bài bình luận mới nhất trên Reuters cho hay Việt Nam đang thách thức Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao với việc quyên góp vật tư y tế cho châu Âu và Đông Nam Á, thậm chí còn giành được sự khen ngợi từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho việc hỗ trợ sản xuất lô hàng đồ bảo hộ y tế.

EVHhkbgUwAA PSB
Lô hàng đồ bảo hộ y tế Dupont do Việt Nam gia công đã đến Mỹ hôm 9/4 (Ảnh: twitter)

Theo Reuters, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình như một nhà nước có trách nhiệm bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và tặng khẩu trang cùng các thiết bị y tế cho những quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona Vũ Hán, thì nước láng giềng Việt Nam cũng đang có những hành động riêng.

Việt Nam, mặc dù nguồn lực còn thua kém so với quốc gia láng giềng khổng lồ ở phía Bắc, đã tặng 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh; 390.000 chiếc cho Campuchia và 340.000 chiếc cho nước láng giềng khác là Lào.

Việt Nam cũng đã tận dụng việc Công ty DuPont đặt gia công sản xuất 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế tại quốc gia mình để làm nổi bật những nỗ lực về việc hỗ trợ y tế bằng cách thúc đẩy nhanh chóng việc vận chuyển lô hàng nói trên.

Tổng thống Trump đã tweet “cảm ơn những người bạn tại Việt Nam” vào ngày hôm qua 9/4 khi lô hàng hạ cánh tại Texas, Mỹ.

TT Trump cảm ơn Việt Nam hợp tác với Mỹ gửi 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế

Cho đến nay, bằng các biện pháp kiểm dịch quy mô lớn và tích cực truy tìm nguồn lây, Bộ Y tế Việt Nam đã báo cáo 255 trường hợp nhiễm virus corona và không có trường hợp nào tử vong. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hôm 6/4 rằng dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát.

Ngày hôm sau, truyền thông nhà nước đăng tải hình ảnh các Đại sứ châu Âu nhận khẩu trang hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một buổi lễ quyên góp. 

Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc ở Canberra, nói với Reuters rằng dường như Việt Nam đã có được sự tự tin khi đối phó thành công với đại dịch.

“Trong khi Việt Nam đang chuẩn bị đối phó với làn sóng virus thứ hai, thì nước này cũng đang bắt đầu bàn về việc khôi phục lại các hoạt động kinh tế,” ông Thayer nói.

Trong đó, nhân tố chính của việc thúc đẩy kinh tế được kỳ vọng là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) mà Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn vào cuối tháng này.

Đẩy mạnh hỗ trợ

Hiện tại, Việt Nam có 40 công ty sản xuất khẩu trang, có thể làm ra khoảng 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày, theo báo cáo từ chính phủ hôm 9/4. 

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn chứng minh rằng họ có thể cung cấp hỗ trợ cho thế giới.

Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình và bị loại khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế, đã gửi tặng 16 triệu khẩu trang cho châu Âu và Mỹ, mang tới cho hòn đảo bị cô lập này vị thế ngoại giao hiếm có trên trường quốc tế.  

Trung Quốc giận dữ vì Đài Loan hỗ trợ khẩu trang cho thế giới

Chính phủ Đài Loan, giống như Việt Nam đã cố gắng kiểm soát các trường hợp nhiễm virus corona ở mức thấp. Đài Loan cũng không muốn so sánh chiến lược ngoại giao của họ với Trung Quốc Đại lục, mà chỉ đưa ra khẩu hiệu đơn giản “Đài Loan có thể giúp đỡ,” đặc biệt khi quốc đảo này có thể sản xuất tới 13 triệu khẩu trang mỗi ngày.  

Hàn Quốc cũng đã giành được sự chú ý cho chiến dịch phòng chống virus, và vào hôm thứ Năm, họ đã tổ chức một buổi họp trực tuyến để chia sẻ các kinh nghiệm ngăn chặn dịch bệnh với khoảng 400 quan chức và chuyên gia y tế từ 13 quốc gia, bao gồm Mỹ, Mexico và Ý.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với Reuters, “chúng tôi đã nhận được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều quốc gia.”

Việt Nam cũng không bộc lộ rõ ràng chính sách ngoại giao trong dịch corona với Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng gửi đồ tiếp tế cho các nước đồng minh cũ là Lào và Campuchia – những nơi mà ảnh hưởng của Việt Nam đã bị suy yếu trong những năm gần đây, trong khi ảnh hưởng từ Trung Quốc lại tăng lên. 

Ông Thayer cho biết Việt Nam cũng có thể tập trung đẩy mạnh chất lượng trong việc sản xuất các vật tư y tế, nhất là khi nhiều lô hàng của Trung Quốc đã bị trả lại vì kém chất lượng.

Công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam, Vingroup, cho biết vào tuần trước rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất tới 55.000 máy thở mỗi tháng, bao gồm cả cho thị trường nước ngoài.

“Việt Nam không thể hy vọng so với Trung Quốc về khối lượng và giá trị của hàng hỗ trợ, nhưng Việt Nam có thể cung cấp hỗ trợ cho những nơi cần,” ông Thayer nói với Reuters.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: