Giới chức Việt Nam và tổ chức quốc tế nhận định diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên tại Việt Nam bị giảm đáng kể, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ 0,25%.

canh-rung-bi-pha-tien-lang-quang-nam
Rừng tại Quảng Nam bị tàn phá. (Ảnh: laodong.com.vn)

Báo chí nhà nước dẫn thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp Việt Nam) tại Hội nghị về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020, cho biết Việt Nam hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ.

Trong đó, tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019; diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng tăng từ 0,61 triệu ha năm 2010 lên 0,69 triệu ha năm 2019.

Đến nay, dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy diện tích rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình là trên 1 triệu ha (chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên).

“Có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ”, Tổng cục Lâm nghiệp cho hay.

Cũng theo Tổng cục Lâm Nghiệp Việt Nam, với rừng phòng hộ, giới hữu trách đã phát hiện 964 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đã xử lý hình sự 26 vụ và xử lý phạt hành chính 146 vụ. Đối với rừng đặc dụng, có 1.085 vụ vi phạm, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Áp lực tăng dân số đang là mối đe dọa, ảnh hưởng tới phát triển bền vững rừng đặc dụng. Nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, các nhu cầu sử dụng gỗ và khai thác lâm sản ngày càng tăng, làm tăng áp lực chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp sang các loại đất khác và khai thác tài nguyên quá mức hoặc phá rừng bất hợp pháp.

Tình trạng khai thác săn bắt động vật, thực vật quý, hiếm vẫn xảy ra tại các khu rừng đặc dụng và vùng lân cận. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, đô thị, xây dựng những công trình thủy điện, hồ đập giữ nước ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của các loài động, thực vật rừng phân bố trong các khu rừng đặc dụng…”, theo Tổng cục Lâm nghiệp.

Đáng chú ý, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực cho biết: “Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Nhưng, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ có 0,25%. Điều này phản ánh một thực tế rằng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái còn cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ”.

Trước đó, tại lô a, khoảnh 8, Tiểu khu 214 (lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý, thuộc xã Phi Liêng, Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng.

29 cây thông ba lá, nhóm IV đã bị khai thác trái phép với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 32,911 m3 gỗ tròn, trong đó khối lượng lâm sản còn lại tại hiện trường là 9,4 m3; khối lượng lâm sản đã bị lấy đi là 23,4 m3 gỗ tròn, diện tích bị tác động là 2,07 ha.

Hiện giới chức Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Trong phiên chất vấn tại Nghị trường Quốc hội Việt Nam hôm 6/11, Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà phát ngôn: “Chúng ta phải hiểu mất rừng còn rất nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta phải quản lý. Với tư cách là người làm quản lý môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Quốc hội xem xét, rà soát từng mét vuông đất nếu có việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng. Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào không còn rừng nhưng chức năng của nó là phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải thu hồi lại rừng. Và phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên”.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc “phục hồi rừng nguyên sinh” theo Bộ trường Hà nói là rất khó thực hiện.

Minh Long