Voọc chà vá chân nâu được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào Sách Đỏ năm 2000, mức độ nguy cấp – EN. Đến tháng 3/2016, các nhà bảo tồn đã nâng mức độ nguy cấp của voọc chà vá chân nâu từ EN – nguy cấp lên thành CR – cực kỳ nguy cấp. 

vooc cha va son tra
Một gia đình Voọc chà vá chân nâu 6 con. (Ảnh: Bieu Nguyen/2016)

Voọc chà vá chân nâu có tên khoa học là Pygathrix nemaeus. Theo IUCN, voọc chà vá chân nâu được liệt vào loài có nguy cơ tuyệt chủng khi kết quả khảo sát cho thấy loài này được tin là đã giảm hơn 50% số lượng trong vòng ba thế hệ qua (30-36 năm, một thế hệ tính là 10-12 năm). Dự đoán tốc độ suy giảm này sẽ tiếp tục ở mức tương đương hiện tại hoặc cao hơn một chút trong vòng 30-36 năm tới.

Trên thế giới, loài này hiện mới được tìm thấy ở Lào, Việt Nam, và gần đây là Campuchia.

Voọc chà vá chân nâu là loài duy nhất của chi này được tìm thấy ở Lào, sinh sống từ Khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc gia Nam Kading ở Bolkhamsay ở phía bắc đến sông Xe Kong ở tỉnh Attapeu. Chà vá chân nâu cũng được phát hiện ở phía nam sông Xe Kong, nhưng các đặc điểm bộ lông là không rõ ràng, khó nhận dạng (theo Timmins và Duckworth, 1999).

Loài này gần đây được khẳng định có tồn tại ở huyện Voensei, tỉnh Ratanakiri, phía bắc Campuchia, với bằng chứng qua phân tích di truyền. Tuy nhiên, mức độ phân bố các cá thể này ở Cămpuchia vẫn được xác định.

Sách Đỏ IUCN cho biết tại Việt Nam, phạm vi sinh sống của chúng có giới hạn phía bắc là tỉnh Nghệ An, phía nam là tỉnh Kon Tum. Năm 2007, voọc chà vá chân nâu được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (mức độ nguy cấp CR/EN) với diện tích phân bố rộng hơn, gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Đây được coi là loài đặc hữu, tức loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định, có ý nghĩa khoa học rất lớn, số lượng ít, phân bố hẹp.

Trước khi voọc chà vá chân nâu được xác nhận có số lượng lớn tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng, Việt Nam), IUCN nhận định số lượng cá thể loài này ở Lào dường như lớn hơn và ổn định hơn nhiều so với ở Việt Nam, nơi sau vài thập niên bị giảm đáng kể, chủ yếu do tác động của con người.

Khoảng năm 1696, voọc vá chân nâu lần đầu tiên được phát hiện tại bán đảo Sơn Trà bởi nhà động vật học Van Peenen (Mỹ) và các cộng sự. Những phát hiện và ghi nhận bổ sung cũng được thực hiện bởi Van Peenen vào năm 1971.

Tháng 2/2017, kết quả giám sát quần thể từ năm 2008-2016 do Tổ chức Voọc vá Quốc tế (Mỹ) tài trợ cho thấy hiện có khoảng 700 cá thể voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà với thành phần có đủ các thế hệ di truyền. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là một trong những khu vực có số lượng quần thể voọc lớn nhất trong thế giới tự nhiên.

vooc-cha-va-son-tra2
Hai mẹ con voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). (Ảnh: Bieu Nguyen/2016)

Theo các nghiên cứu của Timmins và Duckworth (1999) Nadler và các tác giả khác (2004), săn bắn là mỗi đe dọa chính đối với các loài này, chủ yếu bị đem xẻ thịt, làm thành các loại “thuốc” truyền thống, cũng như bị cưỡng ép làm vật nuôi trên thị trường quốc tế, đặc biệt là từ Lào đến Việt Nam và Thái Lan.

Ngoài ra, bị phá vỡ các tập quán tự nhiên cũng là một mối đe dọa với loài này. Voọc chà vá chân nâu chủ yếu ăn lá cây (75%), ngoài ra là chồi, quả, hạt giống và hoa. Ở Sơn Trà, chúng ăn hơn 150 loài cây khác nhau bao gồm cả cây thân gỗ, cây dây leo, cây thuốc… trong khi cả bán đảo Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật khác nhau. Điều này cho thấy voọc lựa chọn rất kỹ các loại cây có thể ăn được. Chúng thường xuất hiện trong các khu rừng nguyên sinh thường xanh mưa mùa nhiệt đới, rừng nửa rụng lá, đôi khi là rừng thứ sinh thường xanh, rừng núi đá vôi, hoặc rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Ngay cả thức ăn trong ngày cũng khác nhau và theo từng mùa.

Ngoài ra, đây là loài sống trên cây, thỉnh thoảng mới đi xuống đất để uống nước hoặc ăn đất để bổ sung thêm chất khoáng. Chúng không bao giờ ngủ trong các hang hoặc vách đá. Các cây được chọn làm chỗ ngủ thường ở vị trí khuất gió và chúng sẽ quay trở lại ngủ ở đó nhiều lần.

Do đó, khi rừng bị thay thế, bị bê tông hóa bằng việc xây dựng các khu du lịch, mở đường giao thông và phát triển du lịch sinh thái ngay trong Khu Bảo tồn theo kiểu để du khách tự do xâm nhập sẽ dồn, đuổi, khiến loài voọc bị cô lập khi mất chỗ sinh sống với chuỗi thức ăn theo tập tính.

IUCN dẫn nghiên cứu của Nadler và các tác giả (2004) cho biết tại Việt Nam, di cư, bùng nổ dân số sau chiến tranh và việc phá rừng để lấy đất trồng cà phê, cao su và hạt điều cũng như để lấy gỗ là một số lý do làm gia tăng sự biến mất của một loài này. Ở thời kỳ hiện đại, việc phát triển hạ tầng đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực sinh tồn của loài này.

Ngoài Sách Đỏ IUCN và Sách Đỏ Việt Nam, voọc chà vá chân nâu còn được đưa vào danh sách Thứ 1 (những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng) của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), hoàn toàn bị nghiêm cấm tiêu thụ dưới mọi hình thức.

Bán đảo Sơn Trà là hệ sinh thái cực kỳ đa dạng với 985 loại thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm), trong đó có cây đa di sản 800 tuổi; 111 loại động vật phong phú và đặc hữu.

Năm 1977, Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được Chính phủ công nhận là một khu văn hóa-lịch sử với diện tích 4.000 ha. Năm 1989, Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn trà được thành lập với diện tích đề xuất là 4.439 ha, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.595 ha và phân khu phục hồi sinh thái 1.844 ha.

Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, án ngữ cửa ngõ vào TP Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy và đặc biệt là có hệ thống phòng thủ và radar được ví là “mắt thần của Đông Dương”, khống chế cả một vùng biển Đông rộng lớn.

Vĩnh Long

Xem thêm: