Bị xác định vi phạm nhận khối lượng rác vượt công suất xử lý từ năm 2018 nhưng hai năm qua, hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa không những không bị ảnh hưởng mà còn tiếp tục tăng thêm khối lượng rác thu gom lên hàng tấn mỗi ngày.

rac tam sinh nghia
Rác đổ tràn tại Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa ở Long An hồi năm 2018, ước khoảng 40.000 tấn rác tồn đọng. (Ảnh: Ngọc Mận/baolongan.vn)

Truyền thông trong nước ngày 16/1 đưa tin Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) – ông Võ Tuấn Nhân vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar.

Trước đó, nhiều người dân đã gửi các đơn phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm của 2 công ty trên tới Bộ TN-MT. Theo đó, Tổng cục Môi trường được yêu cầu kiểm tra hoạt động của 2 công ty này.

Kết quả kiểm tra cho biết, năm 2018, Bộ TN-MT đã kết luận Công ty Vietstar có công suất thiết kế là 1.400 tấn rác/ngày nhưng trên thực tế, tiếp nhận tới 1.800 tấn/ngày, vượt công suất 28,5%. Do đó, Bộ TN-MT đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Vietstar thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Ngày 29/7/2020, Tổng cục Môi trường kiểm tra thì thấy công ty chưa thực hiện các biện pháp theo yêu cầu. Năm tháng sau, ngày 16/12/2020, Tổng cục Môi trường kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo đơn phản ánh, thì khối lượng chất thải rắn sinh hoạt công ty đang tiếp nhận lên tới khoảng 2.000 tấn/ngày, vượt 42% so với công suất thiết kế của nhà máy là 1.400 tấn/ngày.

Ở khu vực ngoài trời, công ty này đang lưu giữ khoảng 160.000 tấn chất thải trơ tại 2 bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000 m2, che bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, nhiều khu vực không được phủ kín, để lộ chất thải ra ngoài trời. Nước rỉ rác từ 2 bãi được thu gom qua rãnh nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác thấm trực tiếp vào môi trường đất.

Tương tự, năm 2018, Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng bị Tổng cục Môi trường xác định đã vượt công suất thiết kế 20%, tiếp nhận tới 1.200 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày.

Hai năm sau, kiểm tra vào ngày 30/7/2020, Tổng cục Môi trường kết luận Công ty Tâm Sinh Nghĩa vẫn chưa thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo yêu cầu. Ngày 16/12/2020, Tổng cục Môi trường quay lại kiểm tra khu vực xử lý chất thải thì nhận thấy công ty đã tăng lượng tiếp nhận lên 1.300 tấn/ngày, vượt công suất thiết kế 30%.

Ngoài trời, khoảng 240.000 tấn chất thải trơ nằm lưu trên diện tích khoảng 63.750 m2 và che phủ bằng bạt HDPE. Tương tự tình trạng tại công ty Vietstar, nhiều khu vực không được che phủ kỹ, để lộ chất thải ra ngoài trời. Nước rỉ rác không được thu gom, chảy trực tiếp vào môi trường đất và chảy ra hồ trong khuôn viên công ty. Hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường mà công ty đã được phê duyệt.

Tổng cục Môi trường tổng kết 2 công ty này đã vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường kéo dài từ 2018 tới nay và chưa khắc phục triệt để. Bộ TN-MT đề nghị UBND TP.HCM đánh giá lại hiệu quả xử lý chất thải rắn của 2 công ty và yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các hồ sơ đã phê duyệt. Ngoài ra, yêu cầu hai công ty này tiếp nhận và xử lý rác thải của TP đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại, có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng lớn chất thải tồn đọng cho đơn vị có chức năng xử lý.

Mức giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Vietstar đã thay đổi từ 5 USD/tấn lên 12 USD/tấn từ tháng 3/2011, và lên 19 USD/tấn từ cuối năm 2017. Tại thời điểm này, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt được duyệt cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa là 20,38 USD/tấn.

Năm 2019, cả hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa lần lượt khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện. Khi áp dụng công nghệ này, đơn giá xử lý rác đã được duyệt của Vietstar sẽ tăng lên khoảng 24 USD/tấn (gồm cả 10% thuế).

Năm 2010, Công ty Vietstar từng bị phát hiện lén chôn hơn 5.000 tấn rác ngay trong khuôn viên nhà máy, trên diện tích 7.000m2, sâu 80 cm và không lớp lót, lấp phủ bằng cát. Rác được chôn chứa rất nhiều tạp chất, có nhiều túi nilon, nước màu đen và bốc mùi hôi thối khó chịu.

Việc tiếp nhận rác thải vượt công suất thiết kế của nhà máy, gây ô nhiễm môi trường là trái với quy định tại Điều 21, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu:

Điều 21. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.

2. Có hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), khu vực lưu giữ tạm thời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

3. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

4. Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.

5. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

6. Trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt về kế hoạch vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt không quá 06 (sáu) tháng.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Xử lý chất thải rắn tại TP.HCM: Mỗi ngày chôn lấp hơn 5.600 tấn