Sáng 20/6, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục công bố ghi nhận thêm ca mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), gồm 2 ca nhập cảnh và 76 ca lây nhiễm trong nước. Với 46 ca nhiễm mới, TP.HCM vượt mốc 1.500 ca nhiễm, vượt tổng số ca nhiễm tại Bắc Ninh và trở thành điểm dịch lớn thứ 2 trên cả nước. 

dung hop cho xe cong nghe tphcm
TP.HCM tối 19/6 công bố sẽ tạm ngưng các chợ tự phát, dừng toàn bộ xe taxi, taxi công nghệ, xe buýt, người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết… Trong ảnh: Một khu chợ dân sinh trong quận Gò Vấp, trưa 3/6. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Tổng số ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát hiện tại, tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.720 ca. Dịch lan rộng ở 41/63 tỉnh thành, trong đó:

  • nhóm trên 5.300 ca: Bắc Giang 5.330;
  • nhóm trên 1.500 ca: TP.HCM 1.527, Bắc Ninh 1.513;
  • nhóm trên 400 ca: Hà Nội 465 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, Bệnh viện K 53 ca);
  • nhóm trên 100 ca: Đà Nẵng 164, Lạng Sơn 104;
  • nhóm từ 10-100 ca: Vĩnh Phúc 92, Hà Tĩnh 79, Bình Dương 74, Điện Biên 58, Hải Dương 51, Hà Nam 49, Tiền Giang 43, Hưng Yên 37, Nghệ An 25, Thái Bình 21, Long An 17, Hòa Bình 11;
  • nhóm từ 1-dưới 10 ca: Nam Định 7, Thừa Thiên Huế 5, Thanh Hóa 5, Phú Thọ 5, Ninh Bình 4, Đăk Lăk 4, Đồng Nai 3, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Thái Nguyên 3, Hải Phòng 3, Lào Cai 2, Trà Vinh 2, Bắc Kạn 2, Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Sơn La, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Đồng Tháp mỗi nơi 1 ca.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 Việt Nam đã công bố từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến 6h ngày 19/6 là 12.978 ca. Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 7.856 bệnh nhân.

Nhóm các tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng giảm xuống còn 22 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình, Vĩnh Phúc), loại trừ 3 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Đà Nẵng) so với 24h trước (lúc 6h ngày 19/6).

Thông tin các ca nhiễm mới như sau:

2 ca nhập cảnh:

Hai bệnh nhân 12915-12916: Ngày 19/6, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 19/6 dương tính virus Vũ Hán (nCoV), hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú.

76 ca lây nhiễm trong nước:

TP.HCM (46)

Các bệnh nhân từ 12933-12978 gồm 41 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 5 ca đang điều tra dịch tễ.

Bắc Giang (20)

Các bệnh nhân 12911-12914, 12917-12932 ghi nhận trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Bắc Ninh (7)

Các bệnh nhân 12904-12910 gồm 5 ca là các trường hợp F1, một ca liên quan đến ổ dịch Vân Dương, một ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc.

Nghệ An (3)

Các bệnh nhân 12901-12903 ghi nhận trong khu phong tỏa.

Ngày 19/6, thêm 122.056 người đã tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca (Anh), nâng tổng cộng số người đã tiêm lên 2.359.376 người. Trong đó, 115.315 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Theo thông tin công bố trước đó, trong hôm nay, 20/6, 500.000 liều vắc-xin Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được chuyển đến Việt Nam theo diện quà tặng.

Báo Tuổi Trẻ (ấn bản in và online) ngày 19/6 dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết số vắc-xin trên sẽ được phân bổ về TP.HCM, “dựa trên tình hình dịch, mật độ dân cư, số vắc-xin cần sử dụng…”, trong khi đồng thời dẫn thông tin rằng thỏa thuận khi đàm phán về tiếp nhận lô vắc-xin này giữa lãnh đạo 2 nước [Việt Nam và Trung Quốc] là Việt Nam sẽ ưu tiên lô vắc-xin này cho những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người có nhu cầu đi học tập và công tác tại Trung Quốc và cư dân ở khu vực biên giới.

Sang tháng 7, Việt Nam sẽ tiếp nhận lô vắc-xin đầu tiên từ Pfizer (Mỹ) (chưa rõ số lượng), nằm trong suất mua 31 triệu liều vắc-xin đã thỏa thuận từ hãng này.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

6/10 quốc gia bị COVID tấn công tồi tệ nhất sử dụng vắc-xin Trung Quốc