Với hy vọng con được tuyển làm mẫu nhí, nhiều phụ huynh đã bị nhóm lừa đảo chiếm đoạt từ hơn 60 triệu tới gần 440 triệu đồng. Những kẻ lừa đảo chạy quảng cáo “tuyển mẫu nhí” rộng rãi trên mạng xã hội và có nhiều phụ huynh đã sập bẫy.

Sap bay lua ‘tuyen mau nhi co phu huynh bi lua den gan 440 trieu dong
Một bài đăng công khai “tuyển mẫu nhí” của nhóm lừa đảo trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình/Tuyển Mẫu Ảnh Nhí Việt Nam/Facebook).

Ngày 4/12, Công an TP.HCM cảnh báo về loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng xã hội.

Thủ đoạn lừa đảo tuyển mẫu nhí

Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng phương thức đăng tin trên mạng xã hội Facebook với nội dung “tuyển trẻ em làm người mẫu cho hãng thời trang”, “Tuyển mẫu ảnh nhí Việt Nam”… Nhiều phụ huynh muốn con em mình được nhận làm người mẫu nên đã liên hệ với các trang này.

Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu phụ huynh tải ứng dụng Telegram và đưa vào một nhóm kín.

Trong nhóm này, những người này sẽ phân vai: trợ lý, chuyên viên, tổng giám đốc, cộng tác viên… và đề nghị nạn nhân làm nhiệm vụ cộng tác viên trên mạng. Công việc là chuyển tiền online vào các tài khoản ngân hàng do nhóm lừa đảo chỉ định.

Nếu hoàn thành các “nhiệm vụ” được giao, phụ huynh sẽ được nhận tiền gốc và lãi theo cấp độ tăng dần. Nạn nhân chuyển tiền làm “nhiệm vụ” các lần đầu sẽ thấy được nhận lại tiền gốc và lãi 10% nên tiếp tục chuyển tiền cho những người này.

Tuy nhiên, nhiệm vụ tương ứng với số tiền tăng dần, đến khi nạn nhân không đủ số tiền để thực hiện “nhiệm vụ” nữa thì những người lừa đảo sẽ khóa nhóm chat và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã lừa đảo.

Nhiều phụ huynh sập bẫy chục triệu đến vài trăm triệu đồng

Là một trong những nạn nhân của trò lừa đảo này, chị Đ.T. (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết cũng nhận được các thử thách tương tự. Lần đầu, chị mua 1 sản phẩm với giá 1.365.000 đồng và được chuyển lại 1.501.000 đồng. Lần kế tiếp, chị T. chuyển tổng 9.010.000 đồng và nhận lại 10.361.000. Lần thứ ba, chị chuyển 850.000 đồng, được nhận hoa hồng và tiền gốc, tổng cộng 935.000 đồng.

Sap bay lua ‘tuyen mau nhi co phu huynh bi lua den gan 440 trieu dong
Tin nhắn của một phụ huynh với kẻ lừa đảo. (Ảnh: ZuZu Thy Anh/Facebook).

Sau 3 lần được hoàn tiền, hệ thống thông báo chị cần hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng để bé thành người mẫu nhí. Sản phẩm lần này có giá 8.520.000 đồng. Chị T. kể rằng chị chuyển số tiền này xong thì nhóm lừa đảo báo phải chuyển gấp đôi số tiền bởi lần chuyển đầu là do chị đọc nhầm. Tổng cộng, chị phải nộp tiếp 20,8 triệu đồng vào hệ thống. Tuy nhiên, sau khi chị chuyển khoản thì nhận được câu trả lời là chưa được hoàn lại tiền vì còn 1 sản phẩm cuối cùng trong chuỗi, có giá 30,9 triệu đồng.

Khi chị T. hỏi lại “đây có phải lần cuối chưa”, liền bị nhiều “phụ huynh” khác trong nhóm “tấn công” tới tấp và gửi cho chị xem các hóa đơn đã được hoàn tiền. Do không biết đây là những tài khoản ảo do kẻ lừa tiền tạo ra nên chị T. tiếp tục chuyển 30,9 triệu đồng. Lần này, bên nhận báo chị đã soạn sai cú pháp nên không thể thực hiện lệnh chuyển tiền được.

Để khắc phục lỗi, chị phải chuyển thêm 132 triệu đồng. Lúc này, thấy số tiền quá lớn và phát hiện mình bị lừa, chị T. đòi hoàn lại toàn bộ số tiền đã chuyển thì được thông báo sẽ bị treo tài khoản 12 tháng, sau đó bị đẩy ra khỏi nhóm trên Telegram. Tổng cộng, chị Đ.T. đã bị lừa 60.220.000 đồng.

Tương tự, chị C.H. (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bị lừa 133 triệu đồng sau khi đăng ký cho con làm người mẫu trên trang “Tuyển mẫu ảnh nhí Việt Nam”. Còn chị P.T. (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) bị lừa trên 438 triệu đồng với chiêu lừa “thử thách” như trên sau khi vào trang “Mẫu nhí 5.0”.

Chị C.H. cho biết, sau khi bị lừa tiền, chị bị người thân phàn nàn, chỉ trích rằng chị quá nhẹ dạ. Chị nói rằng không ham hố những khoản tiền hoa hồng được hoàn lại mà chỉ mong có một sân chơi cho con trai, muốn được nhìn con trên sàn diễn. Họ đã đánh trúng tâm lý này của các bà mẹ. Sau khi đã tham gia, nếu dừng chơi thì sẽ mất hết tiền nên chị cứ gắng theo. Cũng theo chị C.H., một số nạn nhân đã mất hơn 1 tỷ đồng vì trò lừa tuyển người mẫu nhí này.

Nạn nhân Đ.T. cho hay một số fanpage tuyển người mẫu nhí đã đóng do bị nhiều nạn nhân tố cáo, nhưng chủ trang lại mở ra các trang khác để tiếp tục lừa đảo. Chị T. mong cơ quan công an sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những kẻ lừa đảo.

Sap bay lua ‘tuyen mau nhi co phu huynh bi lua den gan 440 trieu dong.
Nhiều fanpage phải đóng trang do bị nạn nhân tố cáo nhưng chủ trang lại tiếp tục lập nên các fanpage khác để lừa đảo. (Ảnh: Chụp màn hình/Nhà Tuyển Mẫu Nhí/Facebook).

Công an khuyến cáo

Để không trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo bằng công nghệ cao, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân một số nội dung sau:

– Cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em để tránh bị lợi dụng vào mục đích xấu.

– Không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo.

Khi phát hiện bị người xấu yêu cầu chuyển tiền nhằm lừa đảo, chiếm đoạt thì báo ngay cho cơ quan công an để được tiếp nhận xử lý, phong tỏa ngay tài khoản của các người đó để điều tra.

Cần tìm hiểu kỹ khi muốn con làm mẫu nhí

Trên báo Phụ nữ online, ngày 28/11, siêu mẫu Xuân Lan – người có kinh nghiệm trong việc đào tạo mẫu nhí cho biết hiện nay nhiều phụ huynh mong muốn có cơ hội cho con em tham gia trình diễn, chụp ảnh thời trang. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp đáng tiếc, phụ huynh nên lựa chọn những trung tâm có uy tín, bằng cách kiểm tra kỹ thông tin.

Theo siêu mẫu Xuân Lan, phần lớn các bé được chọn để chụp lookbook (tạm dịch: bộ ảnh hoặc video thời trang được thiết kế riêng), quảng cáo đều được trả chi phí. Phụ huynh sẽ thay con em đứng tên ký hợp đồng, nhận thù lao. Vì thế, sẽ không có hoặc rất khó có chuyện phải đóng tiền để nhận được các cơ hội này. Phụ huynh chỉ nên xem việc con em đi học, trở thành người mẫu nhí là để hoàn thiện các kỹ năng mềm trong cuộc sống (làm việc nhóm, rèn luyện sự tự tin…), chứ không thể trở thành người mẫu chuyên nghiệp để kiếm thêm thu nhập.

Khánh Vy