Trong khi đó, chỉ có 70/2.600 đơn vị của Hà Nội tự chủ được chi phí thường xuyên, tương đương 2,96%. 

tinh gian bien che
(Ảnh minh họa/SaTế)

Chiều 27/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với TP. Hà Nội về đổi mới cơ chế quản lý, tài chính và tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết trong giai đoạn 2011- 2016 UBND TP đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; ở cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.

Tuy nhiên so với năm 2011, số biên chế của thành phố vẫn tăng hơn thêm hơn 29.100 biên chế, trong đó lĩnh vực y tế và giáo dục tăng trên 28.300 người. Giải thích về điều này, UBND TP cho biết đã tuyển dụng hơn 16.200 giáo viên hợp đồng vào biên chế theo lộ trình tới năm 2015 đủ về số lượng, trình độ chuyên môn theo chuẩn.

Tại buổi làm việc, Bộ Nội vụ cho rằng Hà Nội sắp xếp được 231 đơn vị trên 2.600 đơn vị sự nghiệp công lập, được 8,9% nhưng tinh giản biên chế qua 8 đợt chỉ có 272 người trên tổng số 145.000 người, chỉ đạt 0,2% là điều cần xem xét. Hà Nội còn rất nhiều đơn vị thuộc các ngành từ y tế, giáo dục, văn hóa… cần sắp xếp lại.

Theo báo cáo, số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ tài chính trong năm 2016 là 2.596 đơn vị, tăng 82 đơn vị so với năm 2011. Trong đó, 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, tăng 15 đơn vị, nhưng có tới 1.173 số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tăng 33 đơn vị. 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên, tăng 113 đơn vị.

Theo đó, kết quả tự chủ của tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội là rất hạn chế, chỉ 2,96% số đơn vị tự chủ được chi phí thường xuyên (70/2.600 đơn vị).

Sau 10 năm thực hiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tới nay, Hà Nội vẫn chưa có đơn vị sự nghiệp công lập nào tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong khi đó, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ là 145.892 người, tăng hơn 34.310 người.

Đánh giá về tình hình chung, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trên cả nước, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn cồng kềnh, chưa tinh gọn, hoạt động thiếu hiệu quả, chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Số lượng người trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Số lượng viên chức hưởng lương ngân sách là 2,1 triệu người, gấp 7 – 8 lần số lượng công chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Tổng chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước chiếm đến 67%, trong khi ngân sách còn lại dành cho đầu tư và chi trả nợ rất ít.

tinh gian bien che
(Nhấp vào hình để phóng to) Chi thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn trong chi ngân sách các năm (2012 – 2016). Đơn vị: tỷ đồng. (Số liệu: Tổng cục thống kê)

Trước đó, tại cuộc họp của đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu (trưởng đoàn) cho biết biên chế trên cả nước đã tăng 20.400 người, tăng 0,57% chứ không phải giảm như đã đề ra từ nay đến 2021 giảm 10% (mỗi năm giảm từ 1 – 2%). Năm 2015, chi lương, quỹ lương cho biên chế là 405.000 tỷ đồng nhưng đến 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%.

Cũng tại cuộc họp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay tinh giản biên chế thực tế rất khó, hầu như không cơ quan nào thực hiện được mà chủ yếu chỉ giải quyết cho những người đến tuổi nghỉ hưu. Nhận định này được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình khi cho rằng Nghị định 108 quy định về điều kiện tinh giản biên chế là chưa hợp lý, trong đó chủ yếu là người đủ tuổi về hưu, còn những người làm việc không hiệu quả, không có kỷ luật kỷ cương thì không thể giảm được.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: