Sau khi tiêm vắc-xin NAVET-ASFVAC (vắc-xin tả heo châu Phi) do Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Công ty Navetco) sản xuất, 538 con heo ở Quảng Ngãi bị chết, bỏ ăn. Trước đó, Bình Định có 282 con và Phú Yên có 431 con heo bị chết.

heo chet sau tiem vac
Heo có dấu hiệu bỏ ăn, sốt… bệnh và chết sau khi tiêm vắc-xin NAVET-ASFVAC. (Ảnh: sggp.org.vn)

Ông Võ Minh Hồng (thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) được báo chí nhà nước dẫn lời cho biết ngày 14/8, gia đình ông gọi thú y xã đến nhà tiêm vắc-xin phòng dịch tả heo Châu Phi cho 6 con heo nái, thịt, với giá 50.000 đồng/liều.

5 ngày sau, heo bỏ ăn, da tím tái, tiểu ra máu, dẫn đến 3 con chết, 10 heo con bú sữa mẹ đã tiêm vắc-xin cũng chết theo. Số heo còn lại cũng đang rất yếu, tiểu ra máu.

“Thiệt hại đối với người chăn nuôi heo quá lớn. Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm và công ty sản xuất vắc xin sớm có kết luận vì sao heo chết, xác định ai chịu trách nhiệm về thiệt hại này để dân có điều kiện tái đàn, trả nợ”, ông Hồng nói trên báo Tiền Phong.

Tương tự, hàng trăm con heo tại nhiều hộ ở các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ và Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự sau tiêm vắc-xin dịch tả heo châu Phi.

Bà Phan Thị Thu Thủy, cán bộ thú y xã Tịnh Sơn, nghi ngờ heo chết là do tiêm vắc-xin, bởi heo của người dân đang mạnh khỏe nhưng khi tiêm vắc-xin thì đều bị phản ứng thuốc, sau đó bị chết.

Theo bà Thủy, vắc-xin tiêm cho heo là do Công ty Navetco ở tỉnh Bình Dương sản xuất. Một lọ vắc-xin có giá 950.000 đồng. Từ 14/8 đến nay, bà tiêm vắc-xin cho 40 con heo của người dân trong xã, thì có 8 con chết, số còn lại đều bỏ ăn, sốt.

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cho hay theo thống kê ban đầu, hiện có 538 con heo bị chết, bỏ ăn sau khi tiêm.

“Hiện chúng tôi đã lấy mẫu và gửi ra Chi cục thú y vùng IV xét nghiệm, phân tích để có hướng xử lý. Đồng thời, hướng dẫn người dân tiêu hủy số heo chết, không được bán ra thị trường. Chúng tôi cũng đã thông báo Công ty Navetco để đơn vị làm việc với các hộ chăn nuôi đã tiêm vắc-xin cho heo do đơn vị này sản xuất”, ông Hạ nói.

Trước đó, tình trạng heo chết sau tiêm vắc-xin tả heo châu Phi cũng xảy ra tại Phú Yên và Bình Định.

Trước sự việc trên, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết công ty Navetco đã gửi mẫu của 3 lô vắc-xin đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I để kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, kết quả đều đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực (bằng phương pháp công cường độc).

Theo báo cáo của Navetco và các chi cục chăn nuôi và thú y tại 20 tỉnh, thành phố, từ đầu tháng 7/2022 đến ngày 26/8, công ty Navetco đã cung ứng tổng cộng 22.844 liều vắc-xin.

Cụ thể, 4.494 liều vắc-xin các địa phương sử dụng theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các đàn heo hiện đều phát triển tốt, chỉ có 27 con có phản ứng, chết sau tiêm, chiếm 0,6%. Đây là tỷ lệ bình thường, tương tự như các loại vắc-xin thú y khác.

17.750 liều do công ty Navetco cung ứng cho các địa phương khác để tiêm cho các đàn heo nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, hiện các đàn heo được tiêm đều phát triển bình thường, chưa thấy có báo cáo phát sinh.

“Ngoại trừ sự cố xảy ra tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, dẫn đến 743 con heo bị chết sau tiêm phòng tại 3 tỉnh Bình Định (282 con), Phú Yên (431 con) và Quảng Ngãi (30 con). Số heo chết chiếm 4,2% trong tổng số heo đã tiêm”, báo cáo nêu.

1.100 liều vắc-xin còn lại chưa sử dụng.

Cục Thú y và Bộ NN-PTNT đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với Công ty Navetco, các cơ quan liên quan của địa phương.

Với công ty Navetco, Bộ NN-PTNT yêu cầu báo cáo vụ việc trước ngày 31/8/2022.

Minh Long