Bắc Giang có sân bay Kép là sân bay quân sự cấp hai, tọa lạc tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang. Hiện tỉnh muốn chuyển sân bay này để khai thác cả hàng không dân dụng.

san bay kep
Sân bay Kép. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Báo chí Việt Nam hôm 25/2 cho biết Sở GTVT Bắc Giang đang muốn nâng cấp sân bay Kép trở thành sân bay lưỡng dụng, tức là bao gồm cả khai thác hàng không dân dụng, với lập luận rằng “việc chuyển đổi là cần thiết do mật độ sân bay tại khu vực còn khá thưa, đặc biệt là các tỉnh miền núi”.

Đề nghị nêu trên được đưa ra trong bối cảnh miền Bắc Việt Nam hiện mới chỉ có một số sân bay dân sự như Nội Bài, Hải Phòng và Vân Đồn trong lúc nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa được dự báo “sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.”

“Hiện tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và vùng lân cận chủ yếu sử dụng sân bay Nội Bài, song sân bay này đã có hiện tượng quá tải so với nhu cầu đồng thời khoảng cách từ khu vực di chuyển đến sân bay khá xa (Lạng Sơn trên 150km, một số vùng xa của Bắc Giang khoảng 150km)”, Sở GTVT Bắc Giang cho biết.

Được biết, sân bay Kép là sân bay quân sự cấp hai, có vị trí tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang.

Trước Bắc Giang, một số địa phương cũng đề nghị được bổ sung thêm sân bay tại địa phương mình vào quy hoạch như: Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Nội (sân bay thứ 2)…

Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa. Trong đó, 5 cảng hàng không quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành.

Tờ Dân Việt dẫn lời Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây Cảng hàng không, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 – 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân… vì đầu tư sân bay rất tốn kém.

Ông Long cho biết dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản. Hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.

Theo TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia hàng không, phần lớn cảng hàng không nội địa ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt công suất thiết kế, một số cảng hàng không thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ… Do đó, hiệu quả đầu tư cần tính toán kỹ, bởi ngày nay yếu tố kinh tế cần được đưa lên hàng đầu. Chưa hết, theo chủ trương xã hội hóa, nếu đầu tư không có lợi sẽ không thu hút doanh nghiệp tham gia, quy hoạch không khả thi.

Là người từng lập đề án quy hoạch phi trường đầu tiên ở Việt Nam, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết: “Nếu làm quy hoạch sai thì gây lãng phí vô cùng và tai hại cho đất nước. Quy hoạch phải cân nhắc đầy đủ các yếu tố kinh tế xã hội, chứ không chỉ là ý kiến của các địa phương muốn có phi trường hay do ý chí của lãnh đạo.”

Kim Long

Ninh Bình đề xuất xây sân bay, liệu có lãng phí?