Ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết liên quan đến công văn số 5944, Cục đang họp kiểm điểm. “Vấn đề này sẽ có người phát ngôn chính thức”, ông Thịnh nói.

nguyen the thinh
Ông Nguyễn Thế Thịnh. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Báo chí nhà nước hôm 31/7 cho biết Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý Y dược cổ truyền kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vì trình Bộ Y tế ký ban hành công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng dịch COVID-19 bằng thuốc y học cổ truyền.

Sau khi nhận được văn bản, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã cho họp nội bộ để rút kinh nghiệm.

Cục này cho rằng việc có một số từ ngữ trong công văn 5944 như “các sở y tế căn cứ danh mục trong công văn này tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19 tại địa phương” là đưa theo “quán tính, không nhạy bén, gây bức xúc cho xã hội”.

“Đây hoàn toàn là tai nạn, Cục không có ý đồ, khi được hỗ trợ mình vô tư nhận và có công văn đi các nơi để họ tiếp nhận, mặc dù có sản phẩm không phải để điều trị nhưng có tác dụng hỗ trợ điều trị” – đại diện Cục cho biết và nói thêm những thuốc trong phụ lục công văn là nhà sản xuất đã hỗ trợ từ khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đợt dịch này tiếp tục hỗ trợ, theo báo Tuổi Trẻ.

Vị này cũng cho biết thời điểm ban hành công văn, ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền “đang đi học” nên “chưa xem kỹ điểm sai sót trong công văn và trình Bộ Y tế ký”. Trong khi, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn là người ký công văn này lại đang “bận” với dịch COVID-19 tại khu vực phía Nam.

Về mức kỷ luật với những người liên quan, đại diện Cục cho rằng theo quy định Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng để xem xét, còn cuộc họp kể trên là bước họp nội bộ.

Bộ Y tế rút công văn 5944 “chỉ định thầu” thuốc y học cổ truyền điều trị COVID-19

 

Sản phẩm thuốc chưa được công bố, nhưng Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã hướng dẫn để sử dụng trên bệnh nhân nhiễm COVID-19

Công văn 5944 được Bộ Y tế ban hành ngày 24/7, có liệt kê 12 sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị COVID -19.

Trong đó, có 9 sản phẩm nêu rõ đơn vị sản xuất, gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương); Bạch địa căn (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Viêm họng (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); Siro Ngân kiều (Viện YHCT Quân đội – Bộ Quốc phòng); Hạnh tô (Bệnh viện YHCT Trung ương); Vệ khí khang (Viện YHCT Quân đội – Bộ Quốc phòng); Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất); Viên nang Imboot; Xuyên tâm liên và Viên nang Nasagast – KG.

Trong 9 sản phẩm nêu rõ đơn vị sản xuất, đáng chú ý có sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (công ty Sao Thái Dương).

Báo Tiền Phong hôm 31/7 dẫn thông tin từ công ty Sao Thái Dương cho biết, ngày 3/6/2021, Cục Quản lý Y dược cổ truyền có văn bản số 513, 515 do Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh ký, kèm phụ lục hướng dẫn sử dụng Kovir (viên nang cứng, mềm) trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19; được gửi đến Sở Y tế một số tỉnh, thành phố, bệnh viện.

van ban 513 515 sao thai duong
2 công văn Cục quản lý y dược cổ truyền ban hành ngày 3/6 kèm danh mục sản phẩm. (Ảnh: tienphong.vn)

Tuy nhiên, thời điểm các công văn trên ban hành, viên nang cứng Kovir chưa công bố sản phẩm.

Đến ngày 25/6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới thông báo tiếp nhận đăng ký công bố viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương.

Dù sản phẩm chưa được công bố, nhưng công văn của Cục Quản lý y dược cổ truyền lại đề nghị các đơn vị có thể nghiên cứu đánh giá bước đầu hiệu quả nâng cao sức đề kháng, và sử dụng trên người bệnh dương tính virus Vũ Hán.

danh muc vien nang kovir
Danh mục có viên nang cứng Kovir. (Ảnh: tienphong.vn)

Bộ Y tế “giúp” doanh nghiệp thổi giá, người dân phải mua thuốc với giá tăng gấp nhiều lần?

Sau khi sản phẩm được Cục Quản lý y dược cổ truyền hướng dẫn sử dụng rộng rãi, đáng chú ý, ngày 19/7, 5 ngày trước khi công văn 5944 được ban hành, Công ty Sao Thái Dương ra thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1,25 triệu đồng áp dụng từ 19/7/2021.

vien nang kovir
Công ty Cổ phần Sao Thái Dương ra thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên… (Ảnh: laodong.vn)

Báo Công An Nhân Dân hôm 27/7 dẫn lời chị Phạm Minh Thúy (ở Hà Nội) cho biết: “Viên nang Kovir của Sao Thái Dương bình thường chỉ từ khoảng 250.000 – 350.000 đồng/hộp 40 viên, thế mà giá đã đẩy lên 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên”.

Một dược sĩ tại hiệu thuốc trên đường Mễ Trì Thượng, Hà Nội bức xúc nói trên báo Lao Động hôm 26/7: “… Viên nang Kovir đã lên 1 triệu đồng. Thấy quá nhiều người hỏi, và thông tin xôn xao mấy ngày nay, không tin giá bị thổi lên như vậy nên tôi đã liên hệ với công ty để hỏi giá. Phía công ty đã thông báo lại giá là 1 triệu đồng/hộp viên nang cứng. Tôi nói ngắn gọn… có thể công ty họ làm quảng cáo, thuốc không chữa được COVID-19. Họ tăng như vậy tôi thấy thất đức”.

“Giá thuốc tăng cao là bởi các công ty nhân cơ hội người dân hoang mang, săn lùng mà đẩy giá”, cũng theo tờ báo này.

Tạp chí điện tử Viettimes – Cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay sau khi Bộ Y tế ban hành công văn số 5944, “không ít người dân sau khi nhận được thông tin về 12 loại thuốc đã đổ xô đi mua để dự trữ, tự phòng bệnh COVID-19 ở nhà. Trong danh sách 12 loại thuốc Y học cổ truyền được Bộ Y tế công bố, một số loại đã “cháy hàng”, thậm chí tăng giá vùn vụt dù trước đó giá thành rất rẻ”.

Chị Phạm Minh Anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Ngay khi Bộ Y tế có công văn trên, tôi đi tìm mua thuốc xuyên tâm liên để gửi vào cho người thân ở TP.HCM. Thậm chí còn gọi điện về cho mẹ tôi ở Nghệ An để tìm mua. Tôi phải mua 80.000 đ/30 viên, trước đây chỉ hơn 10.000 đồng”, theo báo Công An Nhân Dân…

Sau 2 ngày ban hành, Bộ Y tế buộc phải thu hồi lại công văn 5944 sau khi nhận được sự phản ứng của dư luận cũng như nhiều dược sĩ cho rằng hiện chưa có các nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền này trong hỗ trợ điều trị COVID-19.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: “… tại sao doanh nghiệp lại đột ngột tăng giá chỉ 5 ngày trước khi công văn 5944/BYT-YDCT ra đời mà trong đó hướng dẫn Kovir như một loại thuốc phòng và điều trị COVID-19”.

“Dù công văn 5944/BYT-YDCT đã bị huỷ một cách nhanh chóng nhưng Bộ Y tế cần phải trả lời về trường hợp này“, tờ báo khẳng định.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Vụ sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội: Bắt, khởi tố thêm 2 bị can