Sự việc bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam (Đại Nam Corp) bị khởi tố, bắt tạm giam (tối 24/3) với cáo buộc tội danh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 hiện đã bước sang ngày thứ 5. Một số luật sư khi được đề cập đã cùng chung nhận định về tính mơ hồ của điều luật 331, cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể bị quy vào tội danh này.

ba phuong hang 0
Bà Nguyễn Phương Hằng nghe quyết định khởi tố, bắt tạm giam, tại TP.HCM, tối 24/3. (Ảnh: Thông tin Chính phủ/Facebook)

Việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vào tối 24/3 dường như nằm ngoài dự liệu của công luận, dù trước đó, bà này đã bị Công an TP.HCM tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 16/2 đến ngày 29/4. Sau tin bất ngờ trên, dư luận tiếp tục chia nhóm khi đưa ra những ý kiến trái chiều về bắt bà Hằng là đúng hay không đúng, nặng hay nhẹ xoay quanh ngôn ngữ, thông tin mà bà Hằng đưa ra trong các buổi livestream kéo dài kể từ tháng 3/2021 tới ngày 22/3 vừa qua.

Đứng ngoài những tranh cãi về vụ việc, từ góc độ pháp lý và quan sát, một số luật sư lên tiếng quan ngại về tính chất của Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Từ TP.HCM, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định: “Điều 331 là một điều luật rất mơ hồ, vì vậy ai bị khởi tố bởi điều này đều có thể nói là tôi oan được. Cho nên bất kỳ ai bị bắt bởi tội này đều có thể nói là bị oan được. Vì vậy, thường là giới luật sư, những người hay lên tiếng cho dân chủ, tự do v.v… đều rất phản đối điều luật này. Ngay cả thế giới hầu như cũng không có điều luật tương tự như Điều 331”.

Theo luật sư Mạnh, những hành vi của bà Hằng nếu có khởi tố thì khởi tố về tội vu khống hoặc là tội làm nhục người khác sẽ thích hợp hơn.

“Nếu bị khởi tố về tội vu khống hoặc tội làm nhục thì vẫn là án hình sự. Tội vu khống có thể hiểu đơn giản là: tố cáo về một tội danh mà tội danh đó không có thật, hành vi đó không có. Trong vụ việc này, bà Hằng nói các nghệ sĩ chiếm đoạt tiền làm từ thiện, nhưng sau đó cơ quan công an đã chứng minh rằng tiền đó họ không có chiếm đoạt gì cả. Việc tố cáo không đúng sự thật như vậy là đủ cấu thành nên tội vu khống. Tương tự như tội làm nhục người khác.” – ông Mạnh nói.

Theo đó, luật sư Mạnh đồng tình với quan điểm rằng Điều 331 mà Công an TP.HCM sử dụng để khởi tố bà Hằng là một điều khoản mà bất kỳ ai cũng có thể bị quy vào tội danh này. “Điều luật 331, có thể nói một cách hình tượng là giống như cái bình hồ lô trong văn học Trung Quốc vậy đó, là một cái bình có thể chứa hết tất cả những cái gì… Nói nôm na vậy đó” – luật sư Mạnh cho hay.

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Bộ luật Hình sự 2015

Một luật sư (giữ danh tính) tại Hà Nội cho biết cần suy xét rõ ràng về điều luật 331 khi cơ quan công an công bố bà Hằng bị bắt theo điều luật này.

Phân tích về sự việc, vị luật sư này cho hay: “Vì thông tin không được công bố nên hiện nay mình không biết được lý do vì sao bà Hằng bị khởi tố theo Điều 331.

Điều 331 là tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Điều 331 nằm ở nhóm “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”.

Nếu khởi tố bà Hằng vì những phát ngôn trên livestream đối với các nghệ sĩ, nhà báo… thời gian qua thì phải khởi tố theo Điều 155 – tội làm nhục người khác và Điều 156 – tội vu khống thì sẽ hợp lý. Vì các điều 155 và 156 nằm trong nhóm “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”. 

Chỉ rõ hơn về Điều 331, vị luật sư này cho hay: “Điều 331 nằm ở nhóm “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính”, khách thể của nó là xâm phạm trật tự quản lý hành chính, đối tượng bị xâm phạm đến là quản lý hành chính nhà nước.

Nên khởi tố theo điều này sẽ là không hợp lý nếu hành vi phạm tội là bôi nhọ giới văn nghệ sĩ, nhà báo.

Tuy nhiên, vì bây giờ báo chí mới chỉ đăng tin bà Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam theo Điều 331 mà chưa hề nói đến căn cứ khởi tố bà Hằng là gì. Nên các thông tin kết luận rằng bà Hằng bị khởi tố liên quan đến những phát ngôn của giới nghệ sĩ, nhà báo là không hợp lý”.

Vị này phân tích: “Nếu thông tin báo chí là đúng, rằng bà Hằng bị khởi tố theo Điều 331 thì có thể là bà này bị truy cứu vì những hành vi khác chứ không phải là xúc phạm giới văn nghệ sĩ.”

Một luật sư (giữ danh tính) tại TP.HCM cho hay: “Điều 331 trước giờ áp dụng cho những người có tiếng nói phản biện, hay còn gọi là những người bất đồng chính kiến, tại Việt Nam. Với trường hợp bà Hằng, không ai nghĩ là bị bắt bởi điều luật này. Điều luật này có thể áp dụng để bắt ngay. Để chứng minh tội vu khống rất là khó, người tố cáo phải chứng minh hành vi vu khống đó gây thiệt hại như thế nào. Còn tội lợi dụng dân chủ xâm phạm… nó nói chung chung, nó không cần đưa ra dấu hiệu gì”.

Nói về Điều 331, vị luật sư này cho hay: “Điều khoản này rất là trống, rằng người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng… xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân – vậy thôi”.

Trên trang Facebook cá nhân ngày 25/3, luật sư Lê Công Định (TP.HCM) nhìn nhận để ứng xử xã hội trở nên văn minh hơn, có cả biện pháp dân sự và hành chính. Do đó, ông Định đặt câu hỏi: biện pháp hình sự hóa “phải chăng là giải pháp duy nhất” để xử lý trong vụ việc của bà Hằng.

Ngoài ra, theo ông Định, Điều 331 của Bộ luật Hình sự là “một quy định mơ hồ”. Sự việc điều luật này được viện dẫn để bắt giam công dân gửi đi một thông điệp đáng lo hơn việc một người có nhiều phát ngôn không đúng chuẩn mực, không đúng thông tin bị cáo buộc bởi điều luật này.

Nguyễn Xuân