Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

thuoc la ngoai nhap lau 2
(Ảnh minh họa: qua plo.vn)

Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3825/VPCP-V.I về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.

Theo đó, đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu nếu phát hiện là thuốc giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định hiện hành.

Đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, sẽ thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất; thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.

Cũng theo Công văn, khi thực hiện tái xuất thuốc lá, không cho tái xuất bằng đường bộ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền; chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm soát việc tái xuất, không để tình trạng thẩm lậu trở lại thị trường nội địa.

Phản hồi lại quy định mới theo Công văn của Văn phòng Chính phủ, ngày 4/5, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Theo các doanh nghiệp thuốc lá, việc thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng là chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật đối với sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước.

Cụ thể, Hiệp hội cho biết theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012Điều 22 Nghị định 67/2013/NĐ-CP, mặt hàng thuốc lá được tiêu thụ hợp pháp tại Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện:

  • Ghi nhãn bằng tiếng Việt;
  • In cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh (theo quy định phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá);
  • Dán tem hoặc in mã số, mã vạch;
  • Phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam;
  • Ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng. Theo Hiệp hội, hầu hết các chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam (chủ yếu là thuốc lá Jet và Hero, chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) đều không đáp ứng đủ quy định nêu trên;
  • Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá. Hiệp hội cho rằng các loại thuốc lá nhập lậu phổ biến vào Việt Nam hiện nay đều không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu.

Cũng theo Hiệp hội, đối với thuốc lá điếu nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam trước khi làm thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải gửi mẫu đến cơ quan, tổ chức có chức năng để phân tích, kiểm nghiệm.

Việc xác định thuốc lá nhập lậu còn đảm bảo chất lượng hay không là việc khó khăn và tốn thời gian, có thể làm phát sinh nhiều chi phí quản lý cho việc kiểm định chất lượng, tiến hành đấu giá, bảo quản, vận chuyển,…

Đối với hướng tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Hiệp hội cho rằng đa phần thuốc lá nhập lậu  vào thị trường Việt Nam(chủ yếu là thuốc lá Jet, Hero) không phù hợp với các nước trong khu vực, các loại thuốc lá này chỉ được người hút tại Việt Nam biết đến và thực tế hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

Theo Hiệp hội, thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm, được quản lý chặt bởi các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu và được áp dụng các tiêu chí kỹ thuật bởi nước tiếp nhận. Do đó, mặt hàng thuốc lá nhập lậu không có in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy tờ xác nhận chất lượng thì không đáp ứng được các điều kiện để có thể được nhập khẩu vào quốc gia khác.

Cùng với việc chỉ ra những bất cập trong việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng chỉ ra một loạt các hệ lụy đi kèm như: Đe dọa đến sức khỏe cộng đồng; Ngân sách Nhà nước bị thất thu một khoản đáng kể (khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm gần đây) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần do thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng chỉ ra rằng việc tái xuất thuốc lá nhập lậu là không phù hợp về mặt pháp lý theo quy định của Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC), trong đó Khoản 4 (C), Điều 15 FCTC quy định thuốc lá nhập lậu bị tịch thu phải được tiêu hủy.

Trên cơ sở đó, cộng đồng các doanh nghiệp thuốc lá Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét việc tiếp tục tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì cho phép bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Nguồn thu từ thuốc lá và nguồn chi khổng lồ cho thuốc lá cùng các vấn đề về y tế

Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, số người trưởng thành hút thuốc tại Việt Nam khoảng 15 triệu người (chiếm gần một nửa tổng số người ở độ tuổi này). Trung bình cứ 2 nam giới thì có 1 người hút thuốc. Có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.

Tỷ lệ người hút thuốc lá cao gây ra những tác hại rất lớn về vấn đề sức khỏe của người dân và kinh tế của đất nước.

Theo công bố của Bộ Y tế tháng 9/2016, trung bình mỗi người Việt Nam hút thuốc chi 2,7 triệu đồng/năm cho thuốc lá. Tổng chi cho thuốc lá mỗi năm của những người hút thuốc lên tới 31.000 tỷ đồng.

Vấn đề về sức khỏe liên quan đến hút thuốc lá là vấn đề nghiêm trọng khi trung bình hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, con số này có thể tăng lên đến 70.000 người vào năm 2030.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt phải bỏ chi phí hơn 23.000 tỷ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá (tính riêng chi phí của 5/25 bệnh liên quan do thuốc lá gây ra là: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ).

Trong khi đó, theo các công ty sản xuất thuốc lá, mỗi năm toàn ngành thuốc lá nộp ngân sách Nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng (năm 2013, nộp gần 19.600 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước).

Lưu Giang

Xem thêm: